BA: Hãy kinh doanh bằng cả trái tim

37 tuổi nhưng chị đã có hơn 13 năm làm kinh doanh và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu. Thành quả đó đến từ một niềm đam mê cháy bỏng là giúp các doanh nghiệp khác phát triển thương hiệu từ những hạt giống đầu tiên. Chị là Đặng Thanh Vân – Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu và Truyền thông Thanhs.
Chị đã có những chia sẻ rất có ích về chủ đề “Xây dựng thương hiệu” trong phỏng vấn dưới đây.

Chị Đặng Thanh Vân – Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu và Truyền thông Thanhs

– Ai khi làm chủ doanh nghiệp cũng mong muốn xây dựng sản phẩm, dịch vụ, công ty của mình có thương hiệu trên thị trường. Theo chị, có thể hiểu khái niệm thương hiệu đầy đủ nhất là như thế nào?

Có nhiều khái niệm về Thương hiệu khác nhau, tuy nhiên, hai khái niệm sau đây được cho là chuẩn xác và nhận được đồng thuận của hầu hết chuyên gia tư vấn:

Định nghĩa:

+ Thương hiệu là một cam kết tuyệt đối về chất lượng, dịch vụ và giá trị trong một thời gian dài và đã được chứng nhận qua hiệu quả sử dụng và bởi sự thoả mãn của người tiêu dùng.

+ Thương hiệu là hình ảnh có tính chất văn hoá, lý tính, cảm tính, trực quan và độc quyền mà bạn liên tưởng tới khi nhắc đến một sản phẩm hay một công ty.

Như em được biết, chị là doanh nhân đã xây dựng thương hiệu tốt và hiệu quả. Theo chị, để có thể xây dựng được một thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng, thì cần phải quan tâm đến những yếu tố nào: chất lượng sản phẩm dịch vụ, bao bì, giá thành, quảng cáo?

Như đã nêu trên, thương hiệu không phải là sản phẩm, cũng không phải là công ty, mà là sự liên tưởng, xác định của người tiêu dùng về sản phẩm, tên tuổi hay doanh nghiệp. Ví dụ khi nhắc đến xe máy, bạn sẽ liên tưởng đến Honda; còn nhắc đến xe gas sành điệu, bạn sẽ liên tưởng ngay đến Vespa. Vì vậy, để có được sự “liên tưởng” trực tiếp và đầy cảm xúc này, doanh nghiệp phải quan tâm trước tiên đến NHU CẦU CỦA KHÁCH HÀNG VÀ THỎA MÃN NHU CẦU ĐÓ Ở MỨC CAO.

Hiện tại chị đang là chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn thương hiệu cho các doanh nghiệp khác. Đó là một công việc đặc thù giống như “chăm cây cho người khác”, vậy thì ngay từ khi mới khởi nghiệp, chị đã phải xây dựng thương hiệu của mình trước rồi mới đi tư vấn hay cứ làm tốt rồi tự nhiên sẽ có thương hiệu?

Về Thương hiệu Thanhs (Công ty Thanhs thành lập năm 2000), chúng tôi cũng là những người khởi nghiệp trong thời điểm gia nhập thị trường. Thanhs cũng đã trải qua những thăng trầm trong nghề nghiệp giống như bất cứ người khởi nghiệp nào khác. (Người khởi nghiệp được định nghĩa là những cá nhân có 1 nguồn vốn ít ỏi, gia nhập thị trường; khác với Người đầu tư, là những cá nhân đã thu được một nguồn vốn lớn trong các hoạt động trước đó, rồi tự thành lập doanh nghiệp của riêng mình).

Nghề tư vấn là một nghề đặc biệt, nó đòi hỏi bạn phải đạt được một trình độ nhất định trong nghề rồi mới có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác. Trên thực tế, Thanhs đã xây dựng thương hiệu thông qua hàng trăm giờ tư vấn (đi kèm với các gói sản phẩm thiết kế, sản xuất; thông qua các hoạt động đào tạo, seminar, hội thảo; nghiên cứu thị trường, viết bài phân tích…) và đạt được sự hài lòng, khích lệ của khách hàng trước khi thực sự trở thành một Thương hiệu trong lĩnh vực Tư vấn chiến lược.

Nói như Malcom Gladwell trong “Điểm bùng phát”, bạn chỉ có thể trở thành chuyên gia khi đã tích lũy đủ 10.000 giờ lao động. Với hơn 13 năm làm việc trong ngành truyền thông, cá nhân tôi và các cộng sự tự hào đã “tích lũy đủ” để trở nên chuyên nghiệp.

Chị Đặng Thanh Vân chia sẻ tại một sự kiện của Câu lạc bộ Ngôi nhà triệu phú – Millionaire House

– Đối với những người mới khởi nghiệp, có nên đặt nặng vấn đề thương hiệu ngay từ đầu không? Theo chị một sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu rồi thì sau đó lợi nhuận có tăng hơn nhiều khi chưa có thương hiệu?

Như bạn biết đấy, thương hiệu không phải là một cái Logo đẹp, cũng không phải là văn phòng làm việc sang trọng. Dù bạn đang có trong tay nhiều tỷ đồng, mở ra được một doanh nghiệp hoành tráng trong một tòa cao ốc, thì trên thực tế bạn cũng chưa hề có thương hiệu. Ngược lại, có thể bạn chỉ là một chị hàng nước bán “trà chanh”, nhưng với rất nhiều thời gian lăn lộn bên gánh hàng của mình, bạn đã là “một thương hiệu” được một nhóm đối tượng khách hàng yêu mến.

Như vậy, việc đầu tiên đối với những người khởi nghiệp là tìm hiểu nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, rồi sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng đó. Với mỗi sản phẩm, dịch vụ, đều cần có một cái tên ngắn gọn, dễ gọi, dễ nhớ, càng tạo nhiều cảm xúc càng tốt để gia tăng tính tập trung thông tin.

Ý thứ 2 của câu hỏi, bạn có thể thấy ngay trong đời sống hàng ngày: Nếu bạn đang dùng điện thoại di động Nokia thì chắc hẳn bạn mơ ước có được iPhone và sẵn lòng mua khi có đủ tiền. Vì vậy, có thể nói thương hiệu chính là giá trị thặng dư của doanh nghiệp. Nhờ có thương hiệu mạnh mà hàng ngàn doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã đem lại sự phát triển vượt bậc cho đời sống xã hội nói chung. Với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khi đã có thương hiệu, nghĩa là bạn đã có một tài sản quý.

Chị có nghĩ rằng, chỉ những doanh nghiệp lớn mới cần thương hiệu, còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không cần thương hiệu? Nếu cả hai đều cần thì sự khác nhau giữa xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào?

Có 2 điểm cần phải phân biệt rõ: Truyền thông thương hiệu và Xây dựng thương hiệu.

Truyền thông thương hiệu bao gồm tất cả các hoạt động, chiến lược, sách lược nhằm đưa hình ảnh thương hiệu đến với công chúng và khách hàng mục tiêu.

Xây dựng thương hiệu chính là toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển Doanh nghiệp theo một mục tiêu sứ mệnh và tầm nhìn xác định, dưới sự dẫn dắt “vô hình” của “giá trị cốt lõi”.

Vì vậy, điểm khác biệt lớn nhất trong Truyền thông thương hiệu của các doanh nghiệp lớn là họ phải khẳng định được “Tôi là ông lớn”. Còn trong xây dựng thương hiệu, điểm khác biệt chính là quy mô. Các doanh nghiệp lớn sẽ phải giải quyết những bài toán phức tạp hơn về chuỗi giá trị. Thông thường, doanh nghiệp lớn và những thương hiệu mạnh sẽ đem đến những thay đổi có giá trị “định dạng lại thế giới”.

Với các doanh nghiệp nhỏ, truyền thông thương hiệu nên tập trung chủ đích vào sự khác biệt hóa, định vị thương hiệu. Trong xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp nhỏ cần tập trung vào việc liên tục sáng tạo và cải tiến để thỏa mãn từng khách hàng cụ thể.

Chị Đặng Thanh Vân là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Millionaire House – Nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối doanh nhân để cùng nhau tiến tới đích giàu có hơn, hạnh phúc hơn

– Trong quá trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp của mình, chị có thể chia sẻ một vài bài học tốt cho các thành viên hoclamgiau.vn?

Trong quá trình xây dựng thương hiệu Thanhs, chúng tôi cũng nhiều lúc lạc đường vì những lý do rất phổ biến: lợi nhuận trước mắt, thay đổi quan điểm của lãnh đạo, truyền thông nội bộ kém hiệu quả…

Một số kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ là:

+ Điều tiên quyết để xây dựng được một thương hiệu ngày càng mạnh là người lãnh đạo phải thực sự đam mê nghề nghiệp. Nếu không vì sự đam mê, thì hầu hết các doanh nhân sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên khi mới khởi nghiệp, không chắc chúng ta đã xác định được rõ lĩnh vực mà mình đam mê, vì thế đừng ngần ngại thay đổi, thay đổi và sáng tạo… cho tới khi bạn tìm thấy một sản phẩm dịch vụ mà bạn quyết tâm cung ứng, sản xuất… bất kể khó khăn. Công ty Thanh xuất phát điểm là một doanh nghiệp làm quảng cáo, truyền thông thương hiệu và chúng tôi cũng đã tự mình thay đổi định hướng kinh doanh nhiều lần để thực sự tìm thấy điểm “định vị thương hiệu”.

+ Truyền thông thương hiệu nội bộ phải thật sự rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện và đồng tâm. Điều này tưởng chừng rất dễ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chú tâm. Những thông điệp thương hiệu phải thường xuyên được truyền đạt từ trên xuống dưới và được bàn bạc từ dưới lên trên thông qua các buổi họp nội bộ, semina, thảo luận nhóm… nhằm biến từng nhân viên của doanh nghiệp đều trở thành những “fan hâm mộ” nhiệt thành nhất cho thương hiệu của doanh nghiệp.

+ Trải nghiệm khách hàng: Luôn tạo ra càng nhiều càng tốt sự trải nghiệm dành cho khách hàng với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp và với thương hiệu. Thông qua trải nghiệm, thương hiệu được khách hàng nhận biết, nhớ đến và yêu mến. Các hoạt động có thể triển khai: dùng thử sản phẩm, các cuộc thi liên quan đến sản phẩm, sáng tạo những cách thức ứng dụng mới cho những sản phẩm cũ; tổ chức các cuộc giao lưu giữa khách hàng và nhân viên (hội thảo, thăm quan, thiện nguyện, giao lưu thi đấu…)

Theo chị, khi một sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường thì có thể đem bán? Với tư cách là một chủ doanh nghiệp, đã mất nhiều công sức để gây dựng một thương hiệu, chị nghĩ như thế nào về việc này? Thương hiệu có thể định giá được không và bằng cách nào?

Thương hiệu là tài sản có giá và giá rất lớn. Việc “bán thương hiệu” không phải là vấn đề quá đặc biệt. Nếu bạn để ý tìm hiểu, bạn sẽ thấy hầu hết các sáng lập viên và các “ông chủ” của những thương hiệu hàng đầu chỉ nắm giữ khoảng 20% cổ phần doanh nghiệp của mình. Trong quá trình phát triển, khi thương hiệu đã đạt đến “điểm bùng phát” sẽ cần đến rất nhiều nguồn lực hỗ trợ, đặc biệt về nhân sự và vốn. Vì vậy việc “bán thương hiệu” hay bán bớt cổ phần để thương hiệu ngày càng cất cánh là việc nên và cần làm.

Định giá thương hiệu là một chủ đề lớn: Trên thế giới có những tổ chức chuyên thực hiện định giá thương hiệu. Nhiều tổ chức như Interbrand hàng năm cũng cung cấp thông tin về 100 thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới và giá trị của những thương hiệu đó cũng thay đổi hàng năm tùy thuộc kết quả kinh doanh và những yếu tố khác.

Nhìn chung, phần lớn các mô hình định giá thương hiệu có thể xếp thành hai loại chính như sau: Những phương pháp dựa vào nghiên cứu và những phương pháp thuần túy tài chính (Dựa vào chi phí, so sánh, dùng giá chênh lệch, dựa vào lợi ích kinh tế).

– Nhiều chủ doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ của mình nhưng cũng rất dễ bị ảnh hưởng nếu gặp phải việc ăn cắp, nhái thương hiệu. Chị đã gặp tình huống này chưa và giải quyết nó như thế nào? Còn đối với các chủ doanh nghiệp nói chung thì nên có giải pháp nào cho vấn đề này?

Việc “nhái thương hiệu” hay “hàng Fake” là một vấn nạn không chỉ đối với doanh nghiệp VN mà trên toàn thế giới. Thương hiệu càng nổi tiếng, càng cao cấp thì càng bị nhái nhiều. Cuộc chiến chống lại hàng nhái có lẽ mệt mỏi và cam go không kém cuộc chiến chống “giặc đói, giặc dốt”.

Bản thân thương hiệu Thanhs cũng bị “hàng nhái”: một số doanh nghiệp quảng cáo nhỏ mới thành lập đã “copy” nguyên xi toàn bộ thông tin của Thanhs (trên website) vào website của họ để chào hàng.

Để bảo vệ thương hiệu của mình, các doanh nghiệp trước hết cần chủ động tự bảo vệ, thông qua các giải pháp cơ bản sau:

+ Đăng ký sở hữu trí tuệ và quyền tác giả

+ Thường xuyên kiểm tra các nguồn thông tin để biết về những dạng “nhái thương hiệu”. Sử dụng luật sư để hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết. (VD trường hợp của Thương hiệu Thanhs, chúng tôi đã nhờ tới sự tư vấn và hỗ trợ của luật sư).

+ Liên tục đổi mới sản phẩm và các dịch vụ đi kèm, thông tin đầy đủ tới khách hàng để khách hàng có thể nhận biết, phân biệt thật giả.

Nguyên tắc vàng: Chăm sóc khách hàng và tạo ra những cơ hội trải nghiệm thương hiệu cho khách hàng là điều không một thứ hàng nhái nào làm được.

– Để gửi gắm một lời nhắn nhủ cho những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu và làm giàu, chị sẽ chia sẻ điều gì?

Hãy kinh doanh bằng trái tim của bạn và không ngừng tìm kiếm điều bạn thật sự đam mê để có đủ năng lượng theo đuổi sự nghiệp đến cùng.

CEO Đặng Thanh Vân
Chị Đặng Thanh Vân, sinh năm 1976, tốt nghiệp Thạc sỹ Khoa Kinh tế – Đại học Quốc Gia Hà Nội năm 1999.

Năm 2000, chị mở công ty Thanhs chuyên về lĩnh vực quảng cáo và xây dựng thương hiệu.

Đến nay, sau hơn 13 năm khởi nghiệp, chị tâm niệm sứ mệnh cá nhân là “trở thành bạn đồng hành tận tâm” cùng quá trình phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Chị đã tham gia đồng sáng tạo, xây dựng thương hiệu thành công và là giám đốc thương hiệu (cho thuê) của nhiều công ty.

ThS Đặng Thanh Vân còn tham gia tư vấn, giảng dạy định vị thương hiệu, chiến lược thương hiệu, xây dựng nhận diện thương hiệu cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp và là tác giả của nhiều bài báo, bài nghiên cứu về hoạt động xây dựng thương hiệu.
09h33′ | 03/05/2013
Người gửi Hoa Chi

BA: Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền- Phần 5

Chương 7 – Tối đa hóa tiềm năng tài chính của bạn trong công việc

Hãy ghi nhớ rằng một cuộc sống giàu sang không chỉ là tích lũy nhiều tiền, mặc dù tiền là phần quan trọng nhất. Hơn thế nữa, nó là một cuộc sống theo mong muốn của bạn.

Sai lầm 51: Làm việc trong những “khu ổ chuột”

Thuật ngữ “khu ổ chuột” ở đây được dùng để mô tả nơi mà những người lao động bị bóc lột công sức và không được coi trọng chỉ vì họ là phụ nữ.

Những lĩnh vực như y tế, giáo dục tiểu học, công tác xã hội, quản lý thường là những công việc được trả lương thấp vì phần lớn nhân công làm những công việc này là phụ nữ. Trong những nghề nghiệp càng có nhiều phụ nữ tham gia thì mức lương chi trả càng thấp.

Không bao giờ là quá muộn hoặc quá sớm để lựa chọn một nghề nghiệp sẽ đem lại cho bạn sự thỏa mãn và một cuộc sống mà bạn mong muốn. Những người thay đổi nghề nghiệp liên tục không còn bị coi là những người không ổn định hay không đi đúng hướng nữa.

Bí quyết hành động:
– Từ bỏ quan niệm rằng làm việc tốt và cư xử đúng mực là quan trọng nhất. Chẳng có gì là tội lỗi nếu bạn kiếm tiền từ việc phục vụ người khác cả. Nếu bạn đang làm trong lĩnh vực dịch vụ mà chưa thấy thỏa mãn với cuộc sống, hãy cho phép bản thân mình khám phá những thay đổi.
– Không cho phép bằng cấp xác định tương lai của bạn. Những người chủ doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn tới những kinh nghiệm mà bạn đạt được ở vị trí công việc cũ hơn là những thứ mà bạn đã học được trong nhà trường.

Sai lầm 52: Làm việc với mức lương ít hơn so với những gì bạn đáng được hưởng

Phụ nữ thường được giao thêm nhiều việc hay được chuyển đến một công việc mới với lời hứa hẹn tăng lương, nhưng khoản tiền đó thường không bao giờ trở thành thực tế. Tồi tệ hơn, họ không bao giờ phàn nàn về vấn đề này hay đàm phán để được tăng lương cả.

Bí quyết hành động:
– Thu thập dữ liệu. Khi tham gia một cuộc đàm phán về tiền lương, hãy thu thập thật nhiều thông tin về thị trường lao động, về vị trí công việc của bạn và mức lương.
– Nắm rõ quyền lợi của mình trong công việc. Hãy ghi lại những thành quả đạt được trong một tuần. Nếu bạn đang định đàm phán về lương mà không nghĩ rằng bạn đáng được hưởng mức lương đó, bạn sẽ vô tình tiết lộ nó qua ngôn ngữ và cử chỉ của mình.
– Đánh giá kỹ năng của bạn. Nếu bạn có những kỹ năng trên mức trung bình hay đặc biệt thì nên yêu cầu được trả mức lương cao hơn so với những người được trả mức trung bình.
– Hãy khách quan. Hãy thoải mái khi nói về những cố gắng mang lại thành công của bạn, và đó không phải là sự phô trương. Nếu bạn không lên tiếng, mọi người sẽ không biết giá trị của bạn.

Sai lầm 53: Không quan tâm tới những quyền lợi lao động

Quyền lợi lao động là những quyền lợi bạn được hưởng cùng với những trợ cấp khác của công ty như bảo hiểm sức khỏe, trợ cấp tai nạn, những kỳ nghỉ và kế hoạch hưu trí.

Nếu bỏ qua hay không yêu cầu những quyền lợi và lợi ích khi đàm phán sẽ khiến bạn không được hưởng những quyền lợi chính đáng, hoặc mất đi những thứ bạn có thể thỏa thuận được.

Một vài quyền lợi đó là: Một chiếc xe của công ty, các chương trình đào tạo, khoản thưởng thêm, quyết định thăng chức, chế độ thai sản và chăm sóc con cái, thẻ thành viên…

Bí quyết hành động:
– Bên cạnh những quyền lợi quan trọng, bạn hãy yêu cầu có được những lợi ích thiết thực nhất với cuộc sống của bạn.
– Tóm tắt những điều đã thỏa thuận bằng văn bản và xác nhận lại cách hiểu của mình về những thỏa thuận đó.
– Yêu cầu có thêm thời gian suy nghĩ. Thay vì đồng ý với bất kỳ lời đề nghị nào, hãy yêu cầu thời gian suy nghĩ về nó.

Sai lầm 54: Không lấy lại khoản tiền đã chi ra

Bạn do dự khi nộp một bản báo cáo chi tiêu 5 đô la bạn dùng để cung cấp đồ văn phòng, 8 đô tiền taxi, 12 đô mua đồ ăn nhẹ cho buổi họp phòng…? Nếu tính riêng ra, từng khoản đó sẽ không làm bạn giàu lên hay nghèo đi được, nhưng nếu cộng tổng lại trong suốt một năm, đó là một khoản tiền khá lớn.

Bí quyết hành động:
– Sắp xếp các hóa đơn liên quan đến công việc vào một nơi. Việc này nhằm mục đích bạn sẽ dành thời gian để lưu trữ những báo cáo chi tiêu.
– Tạo ra một bảng excel giúp lưu giữ tất cả những khoản chi tiêu. Sau đó, hàng tháng (hoặc thường xuyên hơn) hãy ấn định thời gian để chuyển số tiền trong hóa đơn sang bảng excel.
– Giữ những tài liệu liên quan theo tên của chuyến công tác trong túi đựng hồ sơ.

Sai lầm 55: Lãng phí thời gian

Các nữ bác sĩ có xu hướng dành nhiều thời gian với bệnh nhân, quan tâm đến tình cảm và nhu cầu của họ nhiều hơn chứ không phải vấn đề bệnh lý. Điều này dẫn đến kết quả họ chỉ gặp được một vài bệnh nhân trong một ngày và thu nhập của họ bị giảm.

Lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc không chỉ xảy ra trong những nghề nghiệp như luật hay y tế, nó xảy ra đối với tất cả những phụ nữ thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế khác.

Bí quyết hành động:
– Tạo ra một thời gian biểu. Công việc thường bị kéo dài nếu bạn có sẵn thời gian. Nếu cuộc hẹn của bạn được chỉ định diễn ra trong 30 phút, hãy thực hiện nghiêm túc.
– Học cách quản lý công việc.
– Theo dõi thời gian mang lại tiền bạc.

Sai lầm 56: Cắt giảm chi phí hoặc giá cả

Nếu bạn sở hữu một cửa hàng và bán cho bạn của mình với giá gốc thì chính xác là bạn đang bị mất tiền. Giá gốc của mỗi mặt hàng chỉ là một phần của giá bán.

Tương tự, nếu bạn cung cấp dịch vụ theo giờ, khách hàng không chỉ trả cho thời gian bạn bỏ ra. Nó còn bao gồm cả số năm bạn được đào tạo và số năm kinh nghiệm để tích lũy kiến thức và kỹ năng giúp bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Một phụ nữ không thể trở nên giàu có bằng cách hạ thấp giá trị của mình.

Bí quyết hành động:
– Hãy tách mình ra khỏi những cuộc thảo luận về chi phí hoặc giá cả, giao nó cho một người chỉ đàm phán về việc đó.
– Đánh giá tổng thể. Chúng ta có thể phàn nàn về khoản phí cao mà các bác sĩ đưa ra, nhưng thực tế là chúng ta đang trả cho chi phí của những năm tháng mà họ được đào tạo để có thể phục vụ chúng ta.
– Đừng quên điều chỉnh theo mức giá sinh hoạt hiện hành. Một doanh nhân đã nói rằng “Nếu bạn không tự tăng mức phí của mình thì ai sẽ là người làm việc đó?”.
– Hãy cân nhắc khi tham gia hoạt động từ thiện. Nếu bạn có một sản phẩm để bán, bạn có thể tặng sản phẩm đó và coi đó là một hoạt động từ thiện.

Sai lầm 57: Không tính phí cho dịch vụ mà bạn cung cấp

Cho dù bạn may cho một người bạn một món đồ bởi vì bạn may vá giỏi, cắt tóc cho người họ hàng bởi vì bạn làm công việc này rất khéo, hay mang những chiếc bánh mình tự làm đến phục vụ một buổi họp của công ty…, bạn cũng nên được chi trả cho những dịch vụ này. Bạn phải biết giá trị của mình, thêm nữa là gạt bỏ cảm giác tội lỗi khi đề cập đến vấn đề tiền nong trong các mối quan hệ hiện có.

Bí quyết hành động:
– Lập bảng giá chi phí.
– Sử dụng khả năng của mình để mở dịch vụ kinh doanh tại nhà.
– Cân nhắc về việc đổi chác.Nam giới đã thực hiện việc này rất thành công bởi họ hiểu quy luật tự nhiên về sự cho đi và nhận lại trong các mối quan hệ.

Sai lầm 58: Bỏ qua cơ hội đi du lịch

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc đi du lịch kết hợp với công việc là cơ hội được đến thăm những địa điểm mới.

Trong bất kỳ tình huống nào thì những chuyến công tác cũng mang lại cơ hội tốt để bạn sống một cuộc sống giàu có mà chỉ tốn ít chi phí.

Bí quyết hành động:
– Lên kế hoạch cho kỳ nghỉ vào dịp đi công tác.
– Kiểm tra những ưu đãi tại điểm đến qua mạng internet.
– Thỏa thuận để có thể đi cùng người thân trong chuyến đi. Những vị sếp khôn ngoan sẽ coi đây là một cách thức không hề tốn kém để mang lại cảm giác hạnh phúc và động lực cho nhân viên của mình.

Sai lầm 59: Không biết tận dụng kỳ nghỉ

Việc nghỉ ngơi và thư giãn không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn làm cho tài sản của bạn tăng lên.

Một nghiên cứu kéo dài 20 năm (có tên là Framingham Heart Study) chỉ ra rằng những phụ nữ đi nghỉ từ hai lần trở lên trong mỗi năm thường giảm được khả năng bị bệnh tim so với phụ nữ không đi nghỉ.

Bí quyết hành động:
– Nên biết, thời gian nghỉ không bao giờ làm nên cũng như phá vỡ sự nghiệp.
– Thường xuyên sử dụng những kỳ nghỉ ngắn.
– Lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ vào mỗi đầu năm.
– Tạo những niềm say mê khác ngoài công việc. Dù vẫn còn độc thân hay đã kết hôn, bạn vẫn còn một cuộc sống nữa ngoài công việc.

Sai lầm 60: Không quan tâm đến việc hoàn trả chi phí đào tạo và các cơ hội học tập

Khi tiếp nhận đề nghị được thay đổi công việc của bạn, hoặc khi muốn cất nhắc bạn lên vị trí cao hơn, ban giám đốc sẽ luôn muốn biết bạn đã làm gì để phát triển các kỹ năng trong nghề nghiệp, hay phát triển phong cách làm việc chuyên nghiệp của bản thân để sẵn sàng thăng chức.

Bí quyết hành động:
– Thường xuyên theo dõi các khóa đào tạo của công ty.
– Luôn sẵn sàng hỏi về việc đào tạo.

Sai lầm 61: Không đọc cuốn “Phụ nữ thông minh không ở góc văn phòng”

Cuốn sách trên nêu những sai lầm phổ biến nhất mà phụ nữ gặp phải. Chính những sai lầm này đã ngăn cản họ đạt được các mục tiêu trong nghề nghiệp.

Cuốn sách này cũng đưa ra hàng trăm bí quyết để làm giàu, hàng trăm bí quyết giúp bạn có được sự tin cậy, tự tin và thỏa mãn trong công việc.

BA: Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền- Phần 4

Chương 5 – Học những kiến thức cơ bản về tiền

Để trở nên giàu có, bạn không chỉ cần tích luỹ tiền và tài sản mà bạn còn phải biết quản lý chúng nữa. Chẳng có gì là hay nếu mua một ngôi nhà nhưng sau đó lại không giữ được nó. Bạn nên biết tiền của mình đang được tiêu vào đâu, nó phát triển như thế nào để từ đó quản lý tiền của mình hiệu quả hơn.

Sai lầm 33: Không hoạch định ngân sách

Bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có nếu bạn thuộc kiểu phụ nữ luôn cho rằng mình có thể tiêu tiền miễn là vẫn còn những tờ séc ở trong tài khoản và vẫn còn tiền trong thẻ tín dụng. Việc hoạch định ngân sách sẽ giúp bạn tiêu tiền mà không cảm thấy tội lỗi khi biết rằng bạn có thể tiêu trong khoản tiền là bao nhiêu.

Bí quyết hành động:
– Thanh toán hoá đơn của mình qua dịch vụ Microsoft Money hay Quicken. Giữ những tài liệu thanh toán vào một file dữ liệu trong máy tính. Bạn có thể in chúng ra hoặc viết thêm vào những tờ hoá đơn. Chỉ cần ấn nút là bạn có thể nhìn thấy ngay tiền của mình đang được tiêu vào đâu.
– Cân nhắc về những lời khuyên của chuyên gia khi nói về việc nên tiêu tiền vào đâu.

Sai lầm 34: Chỉ thanh toán hoá đơn mà không quản lý tiền bạc

Quản lý tài chính trong gia đình chỉ đơn giản là việc đảm bảo chắc chắn rằng những người chủ nợ có thể thu được tiền đúng lúc. Điều này đảm bảo cho bạn và gia đình luôn an toàn về tài chính.

Bí quyết hành động:
– Đừng hành động như một cái máy, hay tham gia vào quá trình lên kế hoạch tài chính. Hãy thảo luận với người bạn đời của mình về những chiến lược đầu tư của anh ta hay cô ta.
– Đọc các báo cáo tài chính được gửi đến bằng thư hoặc thư điện tử. Sử dụng một phần thời gian kiếm tiền để ngồi lại và tìm hiểu các khoản đầu tư của bạn. Bạn không cần phải phân tích chúng quá sâu.
– Hãy dám đòi quyền lợi cho mình. Nếu được khuyên là không cần lo lắng gì về tiền bạc, thì điều này không có nghĩa là bạn không nên quan tâm đến nó mà hãy chú tâm vào việc nhận biết tiền của gia đình bạn được chi vào những khoản gì.

Sai lầm 35: Không cân bằng sổ séc của bạn

Nếu bạn chỉ biết rút tiền mà không cân đối chúng trong sổ séc, thì chắc chắn bạn coi tiền là một thứ không cần thiết. Chính thái độ đó đã khiến bạn khó tiến tới con đường của sự giàu có.

Bí quyết hành động:
– Sử dụng tài khoản ngân hàng trực tuyến. Hệ thống ngân hàng trực tuyến sẽ giúp bạn cân đối tài khoản nhanh nhất mà không phải chờ đến lúc nhận bản báo cáo.
– Viết dòng nhắc nhở trên lịch để kiểm tra tài khoản ngân hàng trực tuyến mỗi tháng hai lần.
– Không nên chỉ biết cân bằng mà hãy phân tích tài khoản của bạn.
– Theo dõi các giao dịch qua thẻ ATM của bạn.

Sai lầm 36: Thờ ơ với những báo cáo tài chính hàng tháng

Không quan tâm đến nguồn tài chính của bạn cũng giống như việc bạn tin tưởng một cách mù quáng khi giao tiền của mình cho người khác. Dù đó có là một ngân hàng uy tín luôn cung cấp những bản ghi chép chính xác từng khoản tiền gửi hay một nhà quản lý quỹ có trách nhiệm lựa chọn cổ phiếu cho bạn, nhưng nếu bạn không thường xuyên xem xét những tài sản của mình thì bạn sẽ khó tránh khỏi những rủi ro.

Bí quyết hành động:
– Ít nhất thì cũng đọc lướt qua bản báo cáo tài chính của bạn. Bằng việc kiểm tra lại báo cáo về đầu tư, bạn sẽ biết được khoản tiền lãi đã được tái đầu tư và không có khoản tiền nào bị rút ra mà không có sự cho phép của bạn.
– Gặp gỡ chuyên gia tư vấn tài chính mỗi năm một lần.

Sai lầm 37: Ký vào các báo cáo thuế mà không xem lại

Bạn phải chịu trách nhiệm tài chính cho bất kỳ sai sót nào có trong bản báo cáo thuế – dù những sai sót đó được tạo ra một cách vô tình hay hữu ý.

Bí quyết hành động:
– Kiểm tra những điều cơ bản. Những điều cơ bản cần xem xét trước khi ký vào các báo cáo: tổng thu nhập, những khoản bị trừ, thu nhập từ lợi tức và lãi suất đầu tư.
– Nếu bạn hoặc bạn đời của bạn điều hành kinh doanh, hãy kiểm tra mục lợi nhuận ròng từ kinh doanh, những khoản thu và chi thêm để nắm rõ các khoản thu về hoặc mất đi của bạn đời.

Sai lầm 38: Thờ ơ với những thứ không định mua

Giàu có không phải là chỉ có tiền ở ngân hàng, mà là bạn được sở hữu những thứ yêu thích và được làm những việc khiến bạn thích thú mà vẫn được độc lập về tài chính.

Bạn sẽ không thể nào mang theo tiền mãi được, vì thế hãy tự thưởng cho mình khi hoàn thành tốt một việc gì đó.

Bí quyết hành động:
– Theo dõi những khoản tiền bạn tiết kiệm được nhờ tránh những sai lầm về tiền bạc.
– Chuyển tiền từ tiết kiệm sang đầu tư.

Chương 6 – Tiết kiệm và đầu tư cho sự thịnh vượng trong tương lai

Đa số phụ nữ khi đã sống được nửa cuộc đời có chung một sự hối tiếc liên quan đến tài chính, đó chính là việc họ không bắt đầu tiết kiệm từ sớm. Rất ít người trong chúng ta có thể dự đoán được điều gì sẽ đến trong tương lai, nhưng việc tiết kiệm và đầu tư sẽ đảm bảo cho chúng ta sống cuộc sống mà chúng ta muốn trong tương lai.

Sai lầm 39: Không có những khoản đầu tư mang tên bạn

Chẳng có một lý do hợp lý nào khi để một mình đối tác của bạn đứng tên cho những khoản tiền hoặc tài sản chung của cả hai người. Làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho một người được nhận tất cả các lợi ích – hoặc có trách nhiệm pháp lý đối với tất cả những thứ liên quan đến các khoản đầu tư. Phụ nữ muốn tin rằng hoàng tử đẹp trai của họ sẽ chăm sóc họ nhưng không ai có thể chăm sóc bạn tốt hơn chính bạn được.

Bí quyết hành động:
– Có một tài khoản ngân hàng và một thẻ tín dụng mang tên mình.
– Đừng bao giờ để những tài sản hoặc những khoản đầu tư chung mang tên của ai khác ngoài tên của hai người.
– Khi mối quan hệ gặp trục trặc, đừng thoả hiệp một mình.

Sai lầm 40: Quản lý những tài sản tích luỹ được không đúng cách

Bạn được thừa kế 500 đô la hoặc 5 triệu đô la, hoặc nếu bạn được nhận một nửa tài sản của gia đình sau khi ly hôn thì đó là tiền của bạn và số tiền đó nên được đầu tư một cách thông minh. Việc tiêu tiền sẽ không làm bạn thoải mái hơn được. Và bạn hoàn toàn không nên hoang phí nó, bởi vì nếu mất đi bạn chỉ cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi.

Bí quyết hành động:
– Chuyển tài sản tích luỹ được vào một danh mục các khoản đầu tư tiết kiệm.
– Chỉ dành một phần tài sản tích luỹ được cho bất cứ thứ gì bạn muốn.

– Lên kế hoạch cho hoạt động từ thiện.

Sai lầm 41: Không dám chấp nhận rủi ro

Do phụ nữ ngày càng nắm quyền chủ động hơn về mặt tài chính, nhưng các nghiên cứu đều chỉ ra rằng họ bảo thủ hơn đàn ông và ít nhạy bén hơn trong việc chấp nhận những rủi ro. Đàn ông có xu hướng chắc chắn hơn trong việc chấp nhận rủi ro với hy vọng chuyển chúng thành lợi nhuận. Giờ chính là thời điểm tốt nhất để tìm ra một nhà tư vấn đáng tin cậy và có tinh thần hợp tác.

Bí quyết hành động:
– Thực hiện từng bước nhỏ. Nếu bạn là một nhà đầu tư mới, bạn không nên đầu tư toàn bộ số tiền mình có ngay một lúc.
– Trang bị kiến thức bằng cách: Tham gia một câu lạc bộ đầu tư, đọc các tạp chí về tài chính và đầu tư, tận dụng các thông tin miễn phí của các sàn giao dịch chứng khoán.

Sai lầm 42: Bạn nghĩ rằng mình không đủ tiền đầu tư để tạo ra sự khác biệt

Khi phụ nữ thoả thuận về những sai lầm liên quan đến tiền, họ luôn đề cập đến lối suy nghĩ rằng số tiền họ dùng để đầu tư không thể đưa họ đến con đường thịnh vượng được. Nếu bạn thuộc kiểu người không kiên nhẫn với những công việc tốn quá nhiều thời gian và không phù hợp với tình huống khẩn cấp, thì việc đầu tư nhỏ lẻ sẽ là một việc khó khăn đối với bạn. Đầu tư nhỏ lẻ hàng tháng giống như bạn đan gieo hạt hơn là trồng những cây vào đúng lúc chúng nở hoa. Nó cũng không thể nào có hiệu quả lớn ngay tức thì được.

Bí quyết hành động:
– Cam kết tự động chuyển 50 đô la mỗi tháng từ tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản séc sang quỹ tín dụng. Quá trình chuyển đổi tự động này là một cách chắc chắn để bạn đạt được mục tiêu. Bạn thậm chí sẽ không thèm chú ý đến khoản tiền mất đi từ tài khoản của mình.
– Tăng dần khoản đầu tư lên 100 đô la hoặc lớn hơn thế mỗi tháng. Khi bạn tạo được thói quen đầu tư và tận mắt thấy tài khoản của mình tăng lên, việc bắt đầu đầu tư với số tiền lớn dần cũng trở nên dễ dàng hơn.
– Gieo trồng một vài loại hạt giống. Để học được tính kiên trì, không có cách nào tốt hơn việc tu dưỡng từ quá trình gieo hạt.

Sai lầm 43: Lẫn lộn giữa cảm xúc và đầu tư

Phụ nữ có xu hướng gắn cảm xúc vào các vụ đầu tư nhiều hơn. Việc duy trì các vụ đầu tư đơn thuần chỉ là lý do tình cảm có thể khiến bạn tổn hại rất lớn. Trước khi bạn quyết định tham gia hãy bàn bạc với một nhà tư vấn đầu tư đáng tin cậy. Nhà tư vấn có thể giúp bạn đưa ra các quyết định phù hợp với tình hình tài chính của bạn và nhận diện bất cứ tác động tiềm ẩn nào có thể liên quan đến vấn đề thuế.

Bí quyết hành động:
– Tránh lối suy nghĩ “tất cả hoặc không gì cả”. Nếu bạn nhận thấy một vụ đầu tư theo tình cảm bắt đầu đi xuống, đừng có cảm giác như thể phải bán hết chúng đi. Bạn hãy cân nhắc về việc chia nhỏ các khoản đầu tư để bán. Việc này sẽ giúp bạn vẫn giữ được các khoản đầu tư mà không bị mất đi phần lớn số cổ phần của bạn.
– Coi số tiền tích luỹ được là vật sở hữu. Đây đúng là cách để bạn liên hệ với cuộc sống hoặc nhớ về người thân yêu đã khuất, nhưng nó cũng chính là tương lai của bạn.
– Thường xuyên theo dõi khoản đầu tư của bạn. “Xa mặt cách lòng” không phải là cách quản lý các vụ đầu tư của bạn.
– Làm tài sản tích luỹ được phong phú hơn. Thay vì cứ giữ tất cả các tài sản ở một nơi, hãy chọn một tài sản bất kỳ và chia chúng ra thành những khoản đầu tư nhỏ hơn.

Sai lầm 44: Hoãn kế hoạch mua nhà

Nếu như bạn đang phải trả tiền thuê nhà, bạn sẽ không bao giờ giàu lên được. Chuyên gia về tài chính Jean Chatzky khuyến khích phụ nữ hãy coi việc mua nhà giống như một tài khoản tiết kiệm.

Bí quyết hành động:
– Ngay cả khi chưa sẵn sàng mua nhà, bạn vẫn nên tham khảo giá cả!
– Đừng quá lo lắng. Suy nghĩ kĩ trước khi bạn định mua thêm một đôi giày nữa không phải là một điều xấu. Trong vòng một hoặc hai năm sau, bạn sẽ tự hỏi vì sao lúc đầu mình lại lo lắng như thế.
– Đề nghị bạn bè giới thiệu một văn phòng bất động sản.
– Đừng cho rằng ngôi nhà đầu tiên của bạn phải là ngôi nhà cuối cùng.

Sai lầm 45: Tiết kiệm thay vì đầu tư

Đôi lúc một số phụ nữ không đầu tư vì họ đã từng bị cháy túi trong quá khứ. Những người khác lại không cảm thấy mình có đủ kiến thức để đầu tư một cách thông minh. Dù lý do là gì thì việc giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm sinh lãi có thể an toàn nhưng không phải cách làm khôn ngoan.

Bí quyết hành động:
– Trang bị kiến thức. Một cách để tích luỹ kiến thức là tham gia hoặc thành lập một câu lạc bộ đầu tư.
– Tìm đến một nữ tư vấn tài chính. Điều này không phải để nói rằng phụ nữ là những nhà tư vấn tài chính giỏi hơn mà đơn giản là giúp bạn thấy thoải mái hơn khi có một người cùng giới đào tạo bạn và quản lý nguồn tài chính của bạn.

Sai lầm 46: Dựa vào sự trợ giúp của xã hội để sống trong quãng thời gian nghỉ hưu

Nếu bạn nghĩ rằng chính phủ sẽ chăm sóc bạn khi về già thì hãy suy nghĩ lại đi. Bởi vì sự bùng nổ tỷ lệ sinh cho tới tỷ lệ nghỉ hưu, ngân sách của quỹ bảo trợ xã hội sẽ phải đối mặt với đủ các thử thách chưa từng có.

Bí quyết hành động:
– Bắt đầu tiết kiệm ngay từ bây giờ. Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu tích luỹ tài sản cho riêng mình.
– Tăng cường cung cấp tiền cho kế hoạch nghỉ hưu của bạn.

Sai lầm 47: Không tận dụng việc tích lãi để nghỉ hưu

Không đầu tư sớm là một trong những sai lầm phổ biến nhất của hầu hết phụ nữ. Một số phụ nữ tuổi trung niên đã nhận ra rằng nếu họ tiết kiệm nhiều hơn thì giờ đây họ đã không phải làm việc vất vả đến vậy. Trong khi đó, một số phụ nữ cao tuổi nhưng vẫn phải làm việc vì họ đã không tiết kiệm từ sớm.

Bí quyết hành động:
– Coi khoản tiền hưu trí là bất khả xâm phạm.
– Sớm đầu tư. Từ thời điểm bạn nhận được khoản thanh toán đầu tiên, bạn nên dành một khoản để chuyển vào tài khoản hưu trí – tài khoản sẽ tăng lên nhanh chóng trong suốt sự nghiệp của bạn.
– Thường xuyên đầu tư.

Sai lầm 48: Trả nợ quá sớm

Nhiều phụ nữ sẽ trả nhanh những khoản nợ chịu thuế cao, nhưng vẫn tiếp tục nợ thẻ tín dụng. Họ làm như vậy vì họ thấy không thoải mái khi phải gánh chịu một khoản nợ lớn trong khi các khoản nợ nhỏ hơn không gây khó khăn gì cho họ.

Bí quyết hành động:
– Xin những lời khuyên về vấn đề thuế. Nếu bạn không chắc chắn liệu nó có lợi hơn hay không khi giữ một khoản nợ được cân đối, hãy hỏi một chuyên gia về thuế.
– Sử dụng tín dụng để trả tiền nhà.
– Luôn ưu tiên trả khoản nợ tín dụng đầu tiên. Hầu hết lãi suất trả cho thẻ tín dụng rất cao. Vì thế, bạn nên tránh để có thêm bất kỳ khoản nợ tín dụng nào và bạn nên trả các khoản nợ tín dụng càng sớm càng tốt.

Sai lầm 49: Không tìm kiếm những lời khuyên về tài chính

Phụ nữ thường do dự khi chi tiền vào dịch vụ tư vấn hơn là đàn ông, lý do là: họ không có tiền để trả, không biết ai là người đáng tin, không muốn chi tiền cho bản thân mình và không biết nên hỏi nhà tư vấn điều gì. Hãy thừa nhận những gì bạn chưa biết và sẵn lòng tiếp nhận những lời tư vấn khôn ngoan.

Bí quyết hành động:
– Xác định kiểu nhà tư vấn bạn cần cho kế hoạch tài chính hiện tại.
– Thành lập một đội ngũ tư vấn tài chính. Một người có thể là không đủ, vì thế hãy tìm đến một vài người có thể đảm nhiệm vai trò cung cấp kiến thức cho bạn, giúp bạn phân tích các khoản đầu tư, hỗ trợ bạn trong việc lựa chọn công ty đầu tư và giải đáp những thắc mắc cơ bản về việc tạo ra tài sản.
– Phỏng vấn một vài nhà tư vấn trước khi lựa chọn một người.
– Duy trì việc quản lý danh mục tài sản của bạn.

Sai lầm 50: Không lên kế hoạch cho những tai nạn bất ngờ

Gặp phải tai nạn không phải là điều chúng ta muốn nghĩ tới ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng việc không dự đoán được điều đó có thể lấy đi phần đời còn lại của bạn.

Bí quyết hành động:
– Cân nhắc việc mua bảo hiểm rủi ro.
– Để dành tiền để trang trải những chi phí cho tới khi có được lợi nhuận.
– Chỉ định một người bạn đáng tin tưởng hoặc một thành viên trong gia đình đại diện trước luật sư trong trường hợp bạn gặp phải tai nạn.

Những Quy luật cơ bản của cuộc sống (st)

1. Quy luật quả táo
Nếu có một thùng táo, gồm cả trái ngon lẫn trái hư, bạn nên ăn trái ngon trước, bỏ những trái hư đi. Nếu bạn ăn trái hư trước, những trái ngon rồi cũng sẽ hư, bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ ăn được trái táo ngon. Cuộc sống cũng vậy.

2. Quy luật niềm vui
Khi gặp chuyện không may, bạn hãy nghĩ đến những điều tốt của nó, bạn sẽ thấy vui hơn. Giống như khi xe bạn bị thủng lốp (hoặc hết xăng), bạn hãy nghĩ may mà xe mình thủng lốp ngay gần chỗ sửa xe (hoặc ngay gần trạm bơm xăng).

3. Quy luật hạnh phúc
Nếu bạn không mất quá nhiều thời gian để nghĩ xem mình có phải là người hạnh phúc không, nghĩa là bạn đang hạnh phúc rồi đấy.

4. Quy luật sai lầm
Con người ai mà không mắc lỗi, nhưng chỉ khi tái phạm lỗi lầm đó, bạn mới phạm phải sai lầm.

5. Quy luật im lặng
Khi tranh luận, quan điểm khó bác bỏ (khó bắt bẻ) nhất chính là im lặng.

6. Quy luật động lực
Động lực luôn xuất phát từ hai lý do, hy vọng và tuyệt vọng.

7. Quy luật nhẫn nhục
Phương pháp nhẫn nhục duy nhất là xem thường thường nó, không thể xem thường nó thì hãy làm giảm nhẹ nó. Nếu không thể làm giảm nhẹ nó, bạn chỉ có cách chịu đựng nhẫn nhục.

8. Quy luật ngu xuẩn
Ngu xuẩn phần lớn là do chân tay hoặc miệng hành động nhanh hơn cả trí não.

9. Quy luật giá trị
Khi bạn sở hữu một món đồ, bạn sẽ phát hiện thấy món đồ ấy không có giá trị như bạn từng nghĩ.

10. Quy luật hóa trang
Thời gian hóa trang lâu bao nhiêu, đồng nghĩa với việc bạn tự thấy mình cần che đậy thiếu sót nhiều bấy nhiêu.

Bạn thấy quy luật nào đúng nhất ?

BA: FREELANCER LÀ GÌ?

FREELANCER LÀ GÌ

Freelancer – lao động tự do – là người làm việc độc lập không có đơn vị quản lý trong những ngành nghề mà người làm toàn thời gian chiếm đa số. Khái niệm này đã từng được Walter Scott đưa ra trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng Ivanhoe để mô tả về những người lính đánh thuê thời trung cổ…

Người làm Freelancer có thể nhận nhiều việc khác nhau và tự thu xếp thời gian theo cách của mình miễn sao công việc đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ Freelancer với những người có công việc bấp bênh, cung cấp dịch vụ, sản phẩm một cách ngẫu hứng và tùy tiện đơn giản vì họ không có kế hoạch.

Ở những nước phát triển, nghề Freelancer rất được trân trọng vì những Freelancer thường phải là những người rất giỏi và là chuyên gia thực sự. Trong khi đó ở những nước đang phát triển, Freelancer thường đồng nghĩa với việc không có khả năng tìm kiếm việc làm ổn định. Hiện nay ở nước ta xu hướng Freelancer tập trung vào hai nhóm nghề chính:

Nhóm thứ nhất gồm những nghề đòi hỏi sự đào tạo bài bản chuyên sâu và dày dạn kinh nghiệm, như tư vấn luật, tư vấn thành lập – tái cấu trúc doanh nghiệp, kế toán, bác sỹ, dịch thuật, lập trình, IT…

Nhóm thứ 2 thiên về sáng tạo như sản xuất âm nhạc, đạo diễn chương trình, tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia, thiết kế (đồ họa, nội thất, thời trang,..), kiến trúc sư, stylist, viết báo, PR, copywriter…

Những thuận lợi của nghề Freelancer

Nhìn từ bên ngoài, Freelancer quả là một xu hướng làm việc thật lý tưởng với những ưu điểm nổi trội:

Thứ nhất, bạn sẽ hoàn toàn được tháo bỏ khỏi những ràng buộc khắt khe của cuộc sống công sở. Bạn không cần đúng 8h sáng đến công ty, chẳng phải chịu đựng ánh mắt khó chịu của sếp mỗi lúc đi làm trễ, không phải bó cứng trong bộ đồng phục suốt 8 tiếng đồng hồ…

Thứ hai, là một Freelancer bạn sẽ được thả sức phát huy sức sáng tạo và điều chỉnh các ý tưởng mà chẳng sợ sếp can thiệp vì giờ đây chính bạn đóng vai trò làm sếp của mình.

Thứ ba, bạn hoàn toàn có thể thay đổi phong cách làm việc thậm chí là loại hình, tính chất công việc… sau khi đã cảm thấy “chán” một dạng công việc nào đó.Freelancer - lao động tự do

Thứ tư, khi bạn đã là một Freelancer được biết đến và tin cậy thì việc bạn nắm được những hợp đồng lớn, bỏ túi vài ngàn đô chỉ trong một tháng sẽ trở nên dễ dàng. Thực tế cho thấy nhiều công ty sẵn sàng trả công khá cao cho những Freelancer phù hợp với công việc mà họ đang thiếu người. Mức thu nhập hàng tháng của một Freelancer cao gấp hai, ba lần so với các đồng nghiệp làm toàn thời gian cũng là chuyện bình thường. Sau một lần “trúng quả” như thế, bạn có thể vi vu du lịch đâu đó cả tuần lễ nghỉ xả hơi mà chẳng phải bận tâm đến việc nộp đơn xin phép ai.

Thứ năm, nếu có một nhóm bạn cùng làm việc theo kiểu Freelancer thì thật quá tuyệt. Việc trao đổi công việc, ý tưởng, hỗ trợ nhau sẽ đạt được mức tối đa. Mỗi người trong nhóm cũng sẽ phát huy hết khả năng và tinh thần trách nhiệm của mình với công việc.

Ưu điểm thứ sáu mà nghề Freelancer mang lại đó chính là việc mở mang các mối quan hệ, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm làm việc độc lập cũng như sự tự giác của bạn

Và… khó khăn chồng chất

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, Freelancer cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn và rủi ro.

Khi đã là một Freelancer, có nghĩa là bạn được tự do nhưng bạn phải biết cách sử dụng sự tự do ấy đạt hiệu quả tối đa. Mọi gánh nặng trách nhiệm đều trút lên vai bạn, bạn vừa làm chủ, vừa làm công cho chính mình, lại kiêm thêm kế toán thu chi và hàng trăm việc lặt vặt khác. Nếu thiếu kỷ luật, không khéo quản lý về thời gian và công việc, mọi kế hoạch của bạn sẽ bị phá sản từ lúc nào không biết.

Rủi ro tiếp theo là bạn không được hưởng mức lương ổn định cùng những phụ cấp, đãi ngộ của công ty nào cả, hoặc nếu bạn thất bại trong một kế hoạch gì đấy, không ai khác ngoài chính bạn phải chịu trách nhiệm tất cả thiệt hại, và dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến uy tín của bạn. Có lẽ vì vậy mà không ít người gọi Freelancer là nghề “không có hậu”, không có sự bảo đảm cho tương lai.

Nếu bạn làm việc ổn định tại một công ty lớn thì thương hiệu của công ty cũng chính là thương hiệu của bạn. Nhưng khi làm Freelancer, bạn sẽ phải tự xây dựng thương hiệu cho chính mình. Chính vì thế nếu bạn chưa được nhiều người biết đến hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng tìm kiếm khách hàng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Làm sếp của bản thân cũng có nghĩa là bạn phải quyết đoán, tự giác và nghiêm khắc với chính mình. Nếu bạn là nhân viên của một công ty, sai lầm của bạn có thể được cấp trên phát hiện ra trước khi thành sản phẩm giao cho khách hàng, làm Freelancer, bạn phải trở thành “tỉnh táo viên” của chính mình. Nếu phạm sai lầm, bạn có thể lâm vào tình trạng “ế ẩm” trong một thời gian dài.

Quan trọng nhất, Freelancer đồng nghĩa với vốn sống, bề dày kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong công việc. Hiếm ai vừa tốt nghiệp đã trở thành một Freelancer giỏi. Muốn vậy it nhất, bạn cũng phải trải qua vài năm trong một vài công ty lớn nhỏ, có những sản phẩm chất lượng tốt, đạt đến độ chín nhất định về nghề nghiệp, tạo được biên độ quan hệ rộng song song với việc hoàn thiện hàng loạt kỹ năng về thuyết trình, đàm phán, làm việc nhóm với các Freelancer khác trong cùng dự án…

Ngay cả khi đã là những Freelancer dày dạn kinh nghiệm, sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi sau quãng thời gian “lăn lộn” với nghề, khi thì công việc không xuể, phải chạy đua với thời gian đến mức làm qua quýt ẩu tả mất cả uy tín, lúc lại ngồi không, chẳng kiếm được đồng nào suốt mấy tháng trời. Hơn nữa, ngày càng nhiều cạnh tranh trong nghề Freelancer, thậm chí có cả chuyện phá giá, giành mối, nhận việc với giá rẻ mạt…

Tóm lại bản thân công việc Freelancer không có gì sai, vấn đề là lựa chọn của bạn có đúng hướng và phù hợp với bản thân không. Nếu là người thích phiêu lưu và cá tính mạnh, đủ bản lĩnh đối phó với những biến cố, có thể Freelancer sẽ là con đường thích hợp với bạn. Còn nếu bạn mong muốn cuộc sống êm đềm, công việc và thu nhập ổn định, thì hãy chung thủy với lựa chọn “người của công ty”. Được và mất, đá hộc hay hoa hồng, tùy thuộc vào bạn.

Những vấn đề cần lưu ý khi trở thành Freelancer

Tài chính (Finances): Đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mà bạn cần phải quan tâm khi bắt đầu quyết định trở thành một Freelancer. Bạn phải chắc chắn luôn có đủ tiền trong tài khoản để có thể giúp bạn trụ vững khi “ế ẩm”.

Môi trường làm việc (Working Environment): Nếu bạn có một môi trường làm việc thoải mái ở nhà thì đó là tốt nhất. Tuy nhiên sẽ thật tiện lợi nếu ngoài nhà ra bạn còn có thể tận dụng bất cứ nơi đâu làm thành văn phòng làm việc.

Portfolio: Khi là một Freelancer, tập portfolio sẽ thể hiện bạn và công việc của bạn. Nếu là một người phát triển phần mềm thì nó lại càng cần thiết phải có trong tay. Nó giúp bạn nhấn mạnh dự án mới nhất bạn làm, kỹ thuật của bạn, ngôn ngữ bạn sử dụng, công cụ bạn dùng, và kiến thức bạn đã học. Hãy bảo vệ những tác phẩm của mình, phát triển nó cũng như phát triển kỹ năng bản thân mình.

Các kỳ nghỉ (Holidays): Sau khi hoàn thành một số dự án, hãy tính đến thời gian để nghỉ ngơi. Nó giúp tinh thần bạn thoải mái trở lại, nghĩ ra được thêm những ý tưởng mới…

Nỗi sợ hãi (The Fear): Mọi người đều sợ hãi ở một số vấn đề: Sợ sẽ không có thu nhập trong một thời gian dài, hoặc sợ không có việc để làm. Không sao đâu, những khoảng thời gian như vậy, hãy dành thời gian đó để phát triển những kỹ năng mới hoặc đi du lịch thư giãn…

BA: Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền -phần 3

Chương 4 – Tiêu tiền một cách khôn ngoan

Chẳng có thời điểm nào là không tốt cho việc đi mua sắm cả. Nhưng dù sao, tiêu tiền bừa bãi cũng là một cản trở lớn trong việc đạt được những mục tiêu tài chính.

Sai lầm 19: Chìm trong nợ nần

Nghiên cứu về lý do tại sao mọi người lại tích lũy nợ nần cho thấy tình trạng này có dính líu nhiều đến sự tự tôn của họ hơn là liên quan đến số tiền họ kiếm được.

Bí quyết hành động:
– Chỉ sử dụng tiền mặt trong một tuần.
– Chỉ sử dụng một thẻ tín dụng. Một tấm thẻ Visa sử dụng cho tất cả các mục đích hay thẻ đa năng MasterCard là đủ. Cũng được thôi nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng cho công việc, bạn có thể có hai thẻ – một là để chi trả cho những khoản cá nhân, một là cho công việc.
– Trả phí cho tất cả các thẻ tín dụng mỗi tháng.
– Chỉ đi đến cây rút tiền tự động mỗi tuần một lần.

Sai lầm 20: Tiêu tiền để giải tỏa cảm xúc

Có hai loại chi tiêu cảm tính. Một loại  là kiểu mua sắm những thứ hấp dẫn đối với bạn và mang lại cảm xúc. Loại còn lại là sử dụng tiền để giải tỏa tâm lý. Sai lầm này tập trung vào loại thứ hai.

Chi tiêu cảm tính là một cách thức ngắn hạn để giải quyết vấn đề mang tính dài hạn. Thiếu khả ngăn năng chặn nhận diện cảm xúc khiến bạn mua sắm cảm tính sẽ góp phần đẩy bạn lấn sâu hơn vào lối đi tốn kém này.

Bí quyết hành động:
– Hãy kiểm tra kỹ suy nghĩ và cảm xúc.
– Đừng đi mua sắm khi bạn đang cảm thấy bị tổn thương tình cảm.
– Loại bỏ sự bốc đồng trong chi tiêu.
– Tìm kiếm sự giúp đỡ của những chuyên gia tâm lý.

Sai lầm 21: Mua hàng theo cảm tính

Đa số chúng ta đều có trải nghiệm chi ra một khoản tiền lớn, sau đó nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm. Hầu như bất kỳ việc gì được thực hiện khi có sự điều khiển của cảm xúc đều khiến bạn cảm thấy ân hận về sau.
Bí quyết hành động:
– Học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè hoặc người thân.
– Yêu cầu có thêm thời gian suy nghĩ.
– Đừng bao giờ sử dụng tiền tiết kiệm hay quỹ hưu trí để thực hiện việc mua sắm cảm tính.
– Nhận thức về việc mua sắm cảm tính. Trước khi trả tiền, hãy nghĩ xem liệu cái giá đó có tương xứng với giá trị của món đồ không.
– Đừng vội đặt cọc hay sắp xếp một cuộc giao hàng nhanh chóng.

– Hiểu rõ bản chất của chiêu thức “sử dụng thử 30 ngày miễn phí tại nhà”. Sau khi họ vận chuyển và lắp đặt cái máy chạy bộ mới, đệm và gối mát xa, hay hệ thống âm thanh, bạn có thực sự nghĩ tới việc sẽ tháo nó ra và trả lại không? Đương nhiên là không. Và người bán hàng cũng vậy. Họ không đề cập tới việc họ sẽ đến và lấy lại nó! Hãy khoanh vùng những cửa hàng có bán thứ mà bạn định mua. Nếu nó có gian phòng trưng bày, hãy đến xem và khảo giá, sau đó mới cân nhắc đến việc mua nó.
– Cân nhắc xem bạn sẽ phải làm việc bao nhiêu giờ để có đủ tiền mua món đồ đó.

Sai lầm 22: Mua sắm 24/7

Mạng Internet có thể là một phương án tiết kiệm thời gian tuyệt vời. Tuy nhiên, điều không hợp lí ở đây là bạn có thể làm việc này vào thời điểm mà bạn không kiếm được chút tiền nào!

Bí quyết hành động:
– Hãy tắt máy tính khi bạn đã làm xong việc cần làm hoặc đã kiểm tra xong hòm thư.
– Đọc một cuốn sách. Thời gian đọc một cuốn sách hay còn có giá trị hơn và thậm chí an toàn hơn nhiều so với thời gian lướt các trang web mua sắm.
– Thiết lập một giới hạn. Đặt ra một giới hạn chi tiêu. Khi bạn tiến đến giới hạn đó, hãy cất thẻ tín dụng của bạn đi.
– Tránh xa những trang web có thể dễ dàng khiến bạn chi tiền.
– Đặt lệnh cho chiếc điều khiển từ xa để không dừng lại ở những kênh mua sắm.
– Đọc catalogue. Hãy cứ đọc nó, đánh dấu những trang có chứa sản phẩm mà bạn quan tâm, sau đó bỏ qua chúng tầm một đến hai tuần, cân nhắc xem bạn có còn thật sự cần những sản phẩm đó hay không.

Sai lầm 23: Mua sắm bốc đồng

Một thất bại của nhiều phụ nữ chính là không có khả năng điều chỉnh sự chi tiêu bốc đồng. Khi chúng ta có thói quen mua sắm bốc đồng, những người bán hàng thực sự điều khiền được chúng ta. Họ biết được tâm lý của người mua và biết rằng sức mạnh ý chí cũng không tác dụng gì trong thời điểm này.

Bí quyết hành động:
– Lên danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm.
– Tạo thói quen cân nhắc về tất cả những sản phẩm trị giá trên 250 đô la.
– Chỉ giữ lại những cuốn catalogue mà bạn thực sự cần.

Sai lầm 24: Những cuộc mua sắm vì cảm giác ăn năn

Sự ăn năn! Nó khiến chúng ta làm những thứ mà chúng ta không thường làm và mua những thứ mà chúng ta chắc chắn không có khả năng chi trả. Sự ăn năn bắt nguồn từ việc hối tiếc về một quyết định chúng ta đưa ra hoặc một hành động chúng ta đã làm, nhưng nó là sự trừng phạt bản thân và không thể được sửa chữa bằng tiền.

Bí quyết hành động:
– Hãy cân nhắc những phương pháp thay thế cho những món quà của sự ăn năn. Một món quà tự làm, một bữa ăn được chuẩn bị chu đáo, hay khoảng thời

gian bên nhau có thể ý nghĩa hơn nhiều so với những món quà đắt tiền.
– Nói về sự khác biệt trong việc tặng quà. Thay vì đoán già đoán non rằng những người khác rất thất vọng vì món quà rẻ tiền mà anh ta hay cô ta nhận được từ bạn, hãy nói về cảm giác của bạn.
– Xác định giới hạn chi tiêu trước khi đi nghỉ hè hoặc trước các sự kiện cần tặng quà.
– Đừng cố gắng đền bù cho khoảng thời gian xa nhà để kiếm sống bằng việc mua những món quà.

Sai lầm 25: Đền bù khoảng thời gian đã mất

Bạn không thể đền bù cho khoảng thời gian đã mất bằng cách tiêu tiền được. Sống một cuộc sống giàu sang là sống thực sự chứ không phải là để tiêu xài.

Bí quyết hành động:
– Hãy hỏi bản thân mình xem bạn đang cố gắng thu hút ai.
– Quay trở về với những giá trị bản thân.
– Lên kế hoạch cho việc chi tiêu khoản tài sản thừa kế.

Sai lầm 26: Không phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu

Đàn ông có xu hướng mua những thứ có giá trị lớn, nhưng số lần giao dịch ít hơn nhiều. Phụ nữ thường thích mua những thứ mà họ muốn và vào thời điểm mà họ muốn.

Bí quyết hành động:
– Hãy tỉnh táo phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
– Đừng có thử nó. Đem cái áo đó vào phòng thử chính là biến cái áo đó thành của mình.
– Tránh xa các trung tâm mua sắm.
– Tập trung vào những thứ tự ưu tiên của bạn.

Sai lầm 27: Đầu hàng trước áp lực xã hội

Một người nào đó tặng quà cho bạn trị giá khoảng 50 đến 100 đô la, bạn có thể có cảm giác rằng bạn cũng phải đáp lại món quà có giá trị tương tự.

Một dạng áp lực xã hội khác là nhu cầu “giữ hình tượng”. Bất kỳ khi nào bạn tiêu tiền nhiều hơn dự định, tức là bạn đang phải chịu áp lực xã hội.

Bí quyết hành động:
– Theo dõi ngân quỹ của bạn.
– Lựa chọn trong đầu những món quà gắn với từng người.
– Tổ chức những hoạt động ngoài trời để tất cả mọi người cùng tham gia.

Sai lầm 28: Hội chứng công việc đầu tiên

Những phụ nữ trẻ mới ra trường khi nhận được khoản thù lao đầu tiên thường không tránh khỏi sai lầm này. Nó được coi là “khoản tiền chùa”. Họ tiêu nó!

Bí quyết hành động:
– Lên kế hoạch cho những “khoản tiền bốc đồng”. Hãy cho phép mình trích một phần nhỏ từ phần còn lại của thu nhập sau khi chi trả các hoá đơn để sử dụng nó như “khoản tiền bốc đồng”. Tiêu nó vào bất cứ thứ gì bạn thích, nhưng một khi đã tiêu hết thì không được phép trở lại cây rút tiền ATM nữa.
– Tạo thói quen tiết kiệm một phần thu nhập của bạn.

Sai lầm 29: Tiêu tiền để tiết kiệm tiền

Bạn mua sáu hộp ngũ cốc cỡ lớn vì nó giúp bạn tiết kiệm được 25 đô la so với việc mua từng hộp riêng lẻ ở cửa hàng rau quả. Đương nhiên kết cục là bạn phải ném đi một nửa số hộp đó vì nó bị hỏng trước khi bạn có thể sử dụng.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng mua đồ giảm giá gấp năm lần đàn ông và mua những thứ họ không cần gấp 2 lần đàn ông.

Bí quyết hành động:
– Quyết định giá trị thực sự của những món đồ giảm giá.
– Thẻ tín dụng – bạn có thể ra khỏi nhà mà không cần có chúng.
– Theo dõi những khoản chi tiêu ngoài dự tính.

Sai lầm 30: Không dành thời gian để nghiên cứu

Dù mua một chiếc xe hơi hay một cái máy tính, bạn không nên chi ra bất cứ số tiền nào mà bạn khó khăn lắm mới kiếm được trước khi bạn biết chắc chắn là bạn đã có được mức giá tốt nhất.

Bí quyết hành động:
– Tìm kiếm trên mạng những trang web cho phép bạn so sánh giá cả.
– Hãy đợi đến lúc giảm giá.
– Tận dụng những lời tiếp thị “không thích, không trả tiền”.
– Truy cập những trang bán hàng trực tuyến để tham khảo giá cả.
– Đàm phán.
– Thận trọng với những mặt hàng trang trí.

Sai lầm 31: Không quan tâm đến hàng giảm giá, tiền trả lại và những lựa chọn ưu đãi

Bạn có thể biết cách thức hoạt động của chương trình khuyến mãi nhưng lại không dành thời gian để đăng ký tham gia.

Bí quyết hành động:
– Dành thời gian để hoàn thành bản đăng ký giảm giá.
– Chọn loại thẻ tín dụng không mất phí hoặc tốn ít phí hàng năm.
– Kiểm tra những chương trình ưu đãi trực tuyến.

Sai lầm 32: Không lựa chọn đúng phương pháp tài chính liên quan đến xe cộ

Rất nhiều phụ nữ thường quyết định mua xe trong khi họ chỉ nên thuê nó. Và ngược lại, nhiều người lại chọn phương án thuê xe khi họ nên mua nó nếu cẩn trọng hơn về vấn đề tài chính.

Thuê xe có thể là một ý kiến hay, nhưng nó ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.

Bí quyết hành động:
– Đừng đưa ra quyết định tài chính về xe cộ mà chỉ dựa trên thu nhập hàng tháng. Một chiếc xe chắc chắn sẽ làm tốn tiền của bạn dù là bạn thuê hay mua nó. Nếu bạn không thể trả những khoản chi phí liên quan đến chiếc xe, bạn cũng không thể nào có khả năng mua nó được. Hãy lựa chọn những thứ bạn có thể chi trả mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính của bạn.
– Hãy xem xét hợp đồng khi bạn ký hợp đồng thuê xe. Bạn hoàn toàn phải hiểu rõ hợp đồng thuê xe, những chi phí tiềm ẩn, tỷ lệ lãi suất và chi phí khi hết hạn hợp đồng, và bạn cũng nên dự đoán chính xác bản chất của việc ưu đãi và khả năng chịu đựng của chiếc xe.
– Hoàn thành công việc công việc nhà của bạn. Dù thực hiện bất kỳ cuộc mua bán nào, bạn phải chắc chắn là mình đã dự trù số tiền phải chi trả để không tiêu vượt quá ngân quỹ của mình.

BA: Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền (phần 2)

Chương 3 – Chịu trách nhiệm với cuộc sống tài chính của bạn

Trở nên giàu có nghĩa là bạn phải ở vị trí người chỉ huy (hoặc ít nhất cũng là người đồng lãnh đạo) con tàu tài chính của mình. Để làm được điều này, bạn cần phải khôn khéo trong vấn đề liên quan đến tiền bạc, bao gồm việc tiêu tiền và đầu tư tiền như thế nào.

Sai lầm 9: Không ưu tiên các phúc lợi tài chính của bản thân

Thói quen của phụ nữ là thường xuyên lo lắng cho mọi người thay vì dành thời gian quan tâm đến chính những nhu cầu của bản thân.
Nếu bạn muốn một cuộc sống không lo âu về tiền, phúc lợi tài chính của bạn phải được coi trọng.

Bí quyết hành động:
– Sắp xếp thời gian để “làm giàu“. Mỗi ngày hãy để ra một giờ, để đọc một cuốn tạp chí đầu tư, tìm hiểu thông tin trên mạng, trò chuyện với bạn đời hoặc một thành viên trong gia đình về vấn đề tài chính. Hãy cố định thời gian đó, và đừng để bất cứ lý do nào trì hoãn nó.
– Hãy tỉnh táo khi sử dụng thời gian. Trước khi đồng ý làm gì đó cho ai, hãy cân nhắc về những thứ bạn sẽ mất đi và suy nghĩ về việc liệu bạn có sẵn sàng trả giá đó không.
– Hãy cho phép bản thân ích kỷ. Không ai có thể chăm sóc bạn tốt hơn chính bạn. Và chăm chút cho chính mình thì chẳng có gì là sai cả. Thỉnh thoảng bạn cần ích kỷ một chút để thấy mình hoàn toàn độc lập.

Sai lầm 10: Lựa chọn kiểu cách mù mờ về tài chính

Những lý do khiến phụ nữ vẫn ở trong tình trạng thiếu hiểu biết về tài chính: không có thời gian học về đầu tư hay tập trung vào tiền bạc của mình; không quan tâm đến các vấn đề tài chính; học từ các bà mẹ của mình rằng “sự mù mờ về tiền” sẽ khiến phụ nữ trở nên hấp dẫn hơn trước đàn ông. Dù vì bất kỳ lý do gì, bạn có thể để cho người khác điều khiển tương lai tài chính của bản thân?

Bí quyết hành động:
– Cho phép mình nghỉ làm việc hoàn toàn từ 3-6 tháng.
– Thảo luận về tiền bạc. Mỗi tuần nên có một cuộc trò chuyện về tiền, tốt nhất là với những người có am hiểu về nó.
– Bắt đầu tiết kiệm. Hãy tập thói quen tiết kiệm, chẳng bao lâu sau bạn sẽ nhận ra rằng sự tích luỹ là một việc làm tốt đẹp.

Sai lầm 11: Trở thành con đà điểu tài chính

Bị bỏ lại một mình mà không được chuẩn bị về mặt tài chính là một vấn đề. Không có khả năng quản lý tài sản được kế thừa lại là vấn đề khác.

Trong bất kỳ trường hợp nào, câu hỏi đặt ra cho bạn là: “Liệu bạn có nắm rõ về tình hình tài chính của gia đình để cùng tham gia vào quản lý và kế thừa hay không?”. Nếu câu trả lời là không, bạn sẽ phải ra khỏi ghế hậu và ngồi vào vị trí của người điều khiển.

Bí quyết hành động:
– Hãy thảo luận về khó khăn ngay từ bây giờ. Mọi người thường không thích nói về điều gì sẽ xảy ra nếu có ai đó chết, vì làm như vậy khiến họ có cảm giác phải đối đầu với đạo đức của bản thân. Tuy nhiên, nếu không có các cuộc thảo luận này, bạn sẽ không thể chuẩn bị những điều cần thiết để tự chăm sóc bản thân khi gặp phải tình huống xấu nhất.
Hãy nói với người bạn đời của mình về việc chuẩn bị một bản di chúc hoặc giấy ủy thác, về việc phân bổ tài sản. Tương tự, hãy thảo luận với nhau về tình hình tài chính hiện tại và các khoản đầu tư của gia đình.

Sai lầm 12: Chỉ giữ cái tôi, không quản lý tài sản

Tấn công là thái độ mà đàn ông thể hiện khi những ý kiến của họ bị nghi vấn hoặc khi họ cảm thấy bất an về khả năng nuôi sống gia đình. Họ tiếp tục tấn công để khiến bạn có cảm giác rằng bạn đã làm sai điều gì đó hoặc là bạn không hề biết mình đang nói về vấn đề gì. Đừng vì tránh làm tổn thương cái tôi của ai đó mà từ bỏ tiếng nói của mình trong các vấn đề tài chính. Nếu bạn làm vậy, tức là bạn chỉ đang kéo dài thời gian để trở nên độc lập về tài chính mà thôi.

Bí quyết hành động:
– Tách biệt giữa hành động và người thực hiện. Khi bạn thảo luận về vấn đề tiền bạc, hãy tập trung vào các sự kiện chứ không phải quan tâm đến những đặc điểm tính cách.
– Tranh thủ sự ủng hộ của phái trung lập hay bên đứng ngoài cuộc. Khi bị bế tắc, hãy tham khảo kinh nghiệm từ những chuyên gia để được giúp có một quyết định khách quan. Hãy nhớ, tập trung vào vấn đề chứ không phải cá nhân một ai đó.

Sai lầm 13: Không tin vào trực giác của mình

Rất nhiều phụ nữ đã biểu lộ sự nghi ngờ về trực giác của mình. Lý do là vì một ai đó đã cho họ lời khuyên và họ nghĩ rằng người này chắc chắn biết nhiều hơn họ.

Trực giác là sự tổng hợp tất cả những kinh nghiệm, kiến thức, những quan sát và những cảm xúc của chúng ta. Như vậy, nó là một thứ rất đáng để trân trọng và nghe theo. Bạn càng sử dụng nó nhiều, nó càng trở nên chuẩn xác.

Bí quyết hành động:
– Hãy tin tưởng vào trực giác của bạn.
– Đừng sợ phải nói “không, cảm ơn”. Nếu một ai đó khiến bạn cảm thấy tội lỗi vì không làm theo điều mà anh ta nghĩ là một ý kiến hay, hãy giữ vững lập trường của mình. Bạn thậm chí không phải đưa ra một lý do nào cả, chỉ cần nói “không, cảm ơn” thật nhiều lần cho đến khi người kia nhận được thông điệp của bạn.
– Thỉnh thoảng hãy có những khoảng dừng. Đừng chấp nhận sự thúc giục của một ai đó. Nếu bạn không bị thuyết phục rằng đó là một ý kiến hay, hãy dành thời gian để nghiên cứu sâu hơn về nó.
– Đánh giá những thời điểm tốt nhất để không làm gì cả. Chúng ta không thể có quyết định tốt nhất trong những khoảng thời gian đầy cảm xúc. Hãy cho mình một khoảng thời gian để đau buồn và chữa lành vết thương trước khi chú tâm vào các vấn đề tài chính.

Sai lầm 14: Tin tưởng không đúng người

Những phụ nữ được thừa kế tài sản sau khi chồng qua đời, người thân mất hoặc sau khi ly hôn rất dễ tin tưởng lầm người. Trong trường hợp này, tinh thần của họ rất dễ xao động và có xu hướng trở thành con mồi của người đầu tiên quan tâm đến họ.

Bí quyết hành động:
– Lựa chọn một nhà tư vấn mà bạn tin tưởng. Nền tảng cho bất kỳ mối quan hệ tài chính nào cũng là sự tin tưởng. Nhưng nếu chỉ dựa trên những kết quả nói riêng thì chưa đủ để bạn nên tin tưởng ai đó.
– Lựa chọn người có tầm hiểu biết rộng. Một nhà tư vấn tài chính giỏi sẽ đảm bảo việc luân chuyển tài sản theo mong muốn của bạn bằng những công cụ hiệu quả nhất có thể, chứ không chỉ đơn thuần là bán cổ phiếu, trái phiếu hoặc quỹ tín thác.
– Hãy hỏi bản thân mình xem bạn có kết thúc cuộc phỏng vấn sau khi đã cung cấp được nhiều thông tin hơn so với lúc bạn bắt đầu tham gia không. Không phải lúc nào mục tiêu cũng là chuyển tiền của bạn cho một ai đó với mong chờ a/cô ta sẽ làm sinh sôi cho bạn. Nếu bạn có cảm giác mình đang tham gia một cuộc gặp gỡ với mục đích bán hàng, nơi có những nhà tư vấn nói nhiều hơn là lắng nghe, bạn hãy coi nó như là một báo động đỏ.
– Có thể lựa chọn các công ty tư vấn miễn phí. Bởi vì các công ty này vận hành với niềm tin rằng việc đào tạo bạn, hiểu rõ nhu cầu của bạn và phát triển uy tín là mục tiêu sống còn cho một mối quan hệ tài chính thành công, và một khi đã làm được như vậy, đương nhiên công ty sẽ nhận được khoản hoa hồng vào một ngày không xa. Và hãy nhớ: Các khoản lệ phí cần phải minh bạch.

Sai lầm 15: Sống cùng nhau trước khi thảo luận về tài chính

Dù bạn đang ở độ tuổi 25 hay 75, việc sống chung với người khác cũng không có gì là sai cả. Có thể bạn cảm thấy hơi thiếu tế nhị khi chủ động đề cập đến vấn đề tài chính, nhưng nếu mối quan hệ của bạn không thể tiếp tục sau việc này, thì bạn nên cảm ơn những ngôi sao may mắn của mình vì bạn đã can đảm đưa ra vấn đề để thảo luận từ trước.

Bí quyết hành động:
– Thảo luận về những tài sản, những khoản nợ nần và những hình thức bảo vệ tài sản, như: ai sở hữu cái gì, ai sẽ trả những món nợ chung, cách thức chia sẻ những chi phí sinh hoạt trong nhà. Cách làm này có thể rất không lãng mạn, nhưng bạn có thể phải gánh chịu nguy cơ mất đi nguồn của cải đáng kể nếu không làm như thế.
– Giữ khoản tiết kiệm hoặc tài khoản séc của riêng mình. Trong hầu hết các mối quan hệ, luôn có sự chênh lệch về thu nhập, và chuyện này chỉ đơn giản là vì sẽ không công bằng nếu ai đó sống vượt quá những gì mình kiếm được.

Sai lầm 16: Tạo điều kiện cho một người cha ăn bám trốn tránh trách nhiệm của mình

Gánh nặng của việc nuôi con sau ly hôn thường đặt lên vai phụ nữ. Để có được sự trợ cấp tài chính cho việc nuôi con là không hề dễ dàng. Nhưng đây không còn là mối quan hệ giữa bạn với chồng cũ nữa, giờ nó là vấn đề của sự công bằng, thích đáng và đúng đắn.

Bí quyết hành động:
– Tranh thủ sự hỗ trợ về tình cảm. Hãy chứng tỏ rằng bạn không muốn làm tăng xung đột với người chồng cũ, mà chỉ muốn có sự hỗ trợ về tình cảm cho việc giành lấy nguồn tài chính cần thiết.
– Mua bảo hiểm nhân thọ, và chắc chắn rằng bạn đứng tên với tư cách người thụ hưởng.
– Giữ lại những tài liệu ghi chép hữu ích. Việc này sẽ đảm bảo rằng bạn có những tài liệu đầy đủ trong trường hợp gặp phải những rắc rối về pháp luật.

Sai lầm 17: Không quan tâm tới những tài sản vật chất hiện có của mình

Chúng ta thường quá bận rộn với việc chăm lo cho nhu cầu và tài sản của người khác nên thường thờ ơ với chính bản thân mình. Chúng ta không có thời gian để đem cái váy đắt tiền trong tủ đến thợ may sửa lại, chúng ta không sử dụng các dụng cụ chăm sóc sức khỏe (đi xe đạp, sử dụng mấy chạy bộ…). Tất cả là bởi vì chúng ta đã đặt những ưu tiên cho bản thân mình ở cuối danh sách những gì cần làm.

Bí quyết hành động:

– Nắm giữ cổ phần của những tài sản vật chất thuộc về bạn. Bạn đã làm việc chăn chỉ để mua được nhà, xe hơi, vật dụng và những đồ trang trí khác. Hãy coi chúng là một phần trong danh mục tài sản của bạn, cũng giống như những khoản đẩu tư khác vậy.
– Dành ra một ngày để bảo vệ những tài sản của bạn.
– Đầu năm, hãy sắp xếp kế hoạch cho những công việc bảo trì thường xuyên. Viết ra những cam kết lên trên lịch để đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ thực hiện những việc này.
– Bảo vệ mình khỏi những kẻ cắp thông tin nhận dạng cá nhân.
– Thuê người giúp đỡ.

Sai lầm 18: Không chăm lo cho tài sản quan trọng nhất: Bản thân bạn

Chăm sóc thể lực và trí tuệ là điều cần thiết để có được sự dẻo dai về thể chất và cảm xúc, giúp bạn quản lý và tận hưởng sự thịnh vượng của mình. Có gì là hay nếu bạn đạt được các mục tiêu tài chính nhưng lại không có đủ sức khỏe để đồng hành cùng nó?

Bí quyết hành động:
– Sắp xếp kế hoạch cho việc kiểm tra sức khỏe, chụp quang tuyến vú và khám phụ khoa khi gần đến ngày sinh nhật. Hãy nhắc nhở mình rằng đã đến lúc làm những việc khẩn cấp đó – và đây cũng là một cách tuyệt vời để tưởng thưởng chính bạn.
– Tham gia một môn thể dục thể thao.
– Đi bộ hàng tuần.
– Hãy chọn địa điểm nghỉ ngơi tiếp theo của bạn là ở một spa chăm sóc sức khỏe.
– Tạo ra một sở thích.

còn tiếp…

Âm Nhạc Với Sức Khỏe

Beethoven có viết: “Âm nhạc phải làm trái tim người nam sôi sục và khóe mắt người nữ đẫm lệ”… Ngày nay, âm nhạc đã được dùng trong y học như một phương thức trị liệu…

 

 

Tác dụng của âm nhạc lên cơ thể nhac-suy-nghi-tich-cuc

Theo nhiều nghiên cứu, ít nhất có hai cách để lời ca điệu nhạc đi vào lòng người nghe:

Tác dụng lôi cuốn, hòa hợp, đi vào tiềm thức con người. Khi bước vào một căn phòng có âm nhạc, thì bao nhiêu ưu tư chợt như dừng lại và cơ thể như hòa với điệu nhạc, toàn thân như nhún nhảy theo nhịp đàn, miệng âm ư theo lời hát.

Làm lạc hướng khiến ta không để ý tới hoàn cảnh hoặc cảm xúc đau đớn, không vui, không ham muốn.

Giáo sư âm nhạc Arthur Harvey, Đại học Hawaii, cho biết não bộ có bốn cách để tiếp nhận và đáp ứng với nhạc điệu:

– Não bộ trái tiếp nhận, phân tích, thưởng thức nhạc điệu.

– Não bộ phải đáp ứng với nhạc điệu bằng các xúc cảm khác nhau.

Cơ thể đáp ứng âm nhạc bằng sự thay đổi các chức năng sinh học như nhịp tim, hơi thở, huyết áp, sức căng bắp thịt, cảm giác đau, sản xuất kích thích tố.

Trong đáp ứng xuyên thân (transpersonal), âm nhạc được dùng để thiền suy, thư giãn, phản hồi sinh học (biofeedback), học hỏi.

Vài nghiên cứu mới đây còn tìm ra sự liên hệ giữa tần số của vài điệu nhạc với sinh hoạt điện năng của tế bào não. Nếu dùng một tần số nhạc nào đó, ta có thể tăng khả năng học hỏi, thư giãn cơ thể, giúp ngủ ngon giấc. Do đó, theo nhiều nhạc sĩ, để hưởng ích lợi của nhạc điệu không những chỉ nghe mà còn phải để toàn thân rung động theo điệu nhạc.

Fabien Maman, soạn nhạc gia kiêm sinh học gia người Pháp đã quan sát ảnh hưởng của âm thanh lên tế bào ung thư. Dưới tác dụng của các âm điệu khác nhau từ nhạc khí hoặc lời ca, tế bào dường như không chịu đựng được sự dao động vibration và vỡ tung, nhất là với tiếng hát cao vút.

Ích lợi của nhạc trị liệu

Những nghiên cứu xưa nay đều cho thấy, âm nhạc trước hết làm cho con người được phát triển toàn diện ngay từ trong bụng mẹ. Các thai nhi được cho “nghe nhạc” thường khỏe hơn các thai nhi khác.

Các bác sĩ vẫn khuyên các thai phụ nên nghe nhạc êm dịu và cho thai nhi cùng nghe. Em bé được nghe mẹ hát ru từ thuở còn thơ thường thông minh và khi lớn lên ít bị những bệnh về tâm trí.

Kinh nghiệm cũng như quan sát, nghiên cứu cho thấy âm nhạc có nhiều ích lợi cho con người. Nhạc giúp giải quyết một số vấn đề như thương tiếc khi mất người thân yêu, tăng tự tin, diễn tả xúc động hoặc bằng lời nói hoặc cử chỉ, thư giãn, giảm thiểu lo âu, giảm đau đớn, giảm cô lập với xã hội, tăng sự tập trung, chú ý, kích thích cảm xúc và nhận thức, nhìn vào sự thực.

Nhạc cũng giúp cơ thể có nhiều sinh lực, kích động não bộ, làm thức tỉnh các cảm xúc, tháo gỡ các xúc động, phục hồi tâm hồn, làm hứng khởi hành động, giúp ngủ ngon, giúp lý luận tốt cũng như giúp tránh lao tâm suy nghĩ.

Dùng đúng cách, âm nhạc có thể giúp ta khỏe mạnh.

Nhạc trị liệu không chỉ là nghe nhạc mà còn là tham dự các sinh hoạt liên quan tới âm nhạc, mọi người đều có thể tận hưởng các lợi điểm của nhạc miễn là để toàn thân rung động, hòa nhịp theo tiếng hát lời ca.

Ngày nay, nhạc trị liệu là lãnh vực trong đó âm nhạc được sử dụng như một phương thức phục hồi, duy trì và hoàn thiện đời sống của người bệnh về thể chất, tinh thần cũng như cảm xúc.

Nhạc được coi như một nghệ thuật sáng tạo trị liệu tương tự như vũ trị liệu, trị liệu khéo tay (art therapy), và cũng có thể phối hợp với nhiều phương thức trị liệu như thiền, xoa bóp, thôi miên.

Với người khỏe mạnh, âm nhạc được dùng như một phương thức thư giãn, giảm căng thẳng ở phòng cấp cứu, phòng sinh, phòng trẻ sơ sinh. Ở trẻ em và người lớn có rối loạn về cảm xúc, hành vi, ít khả năng học hỏi, suy giảm các cử động, âm nhạc trị liệu thường được dùng đồng thời với các phương thức trị liệu căn bản để làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.

Trong giải phẫu, âm nhạc giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn, giúp bớt lo âu sợ hãi trước và sau giải phẫu, giúp hồi phục sức lực và khả năng diễn đạt tư tưởng. Nhiều phụ nữ đã thư giãn nghe nhạc mà nhẹ nhàng sinh con không cần đến thuốc tê.

Nhiều nghiên cứu cho hay sự kích thích của nhạc điệu đôi khi lấn át được các kích thích tạo ra cảm giác đau, nhờ đó bệnh nhân tập trung vào điệu nhạc và trấn áp được cơn đau.

Bệnh tật có thể khiến cơ thể mệt mỏi, rã rời nhưng khi nghe những điệu nhạc có âm điệu khích lệ, thúc giục, người bệnh có thể quên cả đớn đau, phiền muộn.

Sau cơn tai biến não, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng mất khả năng vận động, cần tập luyện để phục hồi chức năng. Âm nhạc có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phấn khởi, lần lần mấp máy cử động theo điệu nhạc cũng như giảm thiểu cảm giác buồn chán. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người mất tiếng nói lấy lại được phát âm sau khi ầm ừ hát theo nhạc.

Âm nhạc trị liệu được dùng trong các trường hợp giúp: Trẻ em tật nguyền khôi phục sự phối hợp các hoạt động thể chất cũng như sự khéo léo của các bắp thịt chân tay; Người bệnh sa sút trí tuệ, người có rối loạn hành vi lấy lại sự bình thường trong hành động.

Không ngủ được ư? Xin hãy nghe những điệu nhạc chậm, êm dịu, có tác dụng như một chất an thần giúp ngủ mà không cần thuốc, nhất là với người cao niên, đã uống nhiều thuốc cho các bệnh khác nhau.

Vừa đi bộ vừa nghe nhạc thì thật là tuyệt vời: Ta sẽ đi lâu hơn và hăng hái hơn vì âm nhạc giúp ta quên với sự cố gắng cất bước và làm cuộc đi bộ trở nên hào hứng.

Vài loại nhạc giúp hạ huyết áp, nhịp tim, điều hòa hơi thở. Vận động làm tăng máu lưu thông trên não, có ích cho não nếu lại nghe nhạc trong khi vận động làm các chức năng của khối óc ta mạnh hơn.

Âm nhạc cũng được dùng với bệnh nhân ở giai đoạn cuối cuộc đời để tạo ra khung cảnh thương yêu, thanh thản của người sẽ ra đi cũng như thân nhân của họ. Trong hoàn cảnh này, đôi khi giữa người bệnh và gia đình có một cái gì ngập ngừng, dè dặt, không nói cùng nhau được…

Âm nhạc cũng có thể thay cho lời muốn nói.

Theo BS. Nguyễn Ý Đức- Hồ Ngọc Minh
Sức khỏe và Đời Sống

BA: Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền – 73 sai lầm về tiền bạc mà phụ nữ thường mắc phải

Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền – 73 sai lầm về tiền bạc mà phụ nữ thường mắc phải

Nguyên tác: Nice Girls Don’t Get Rich

Tác giả: TS Lois P.Frankel

Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Chương 1 – Phụ nữ và sự thịnh vượng

Để trở nên giàu có, bạn cần có hai thứ: Kế hoạch tài chính và tư duy tài chính.

Hầu hết chúng ta đều không thể giàu như những người trong danh sách người giàu nhất thế giới hàng năm của tạp chí Forbes. Bạn có thể còn muốn nhiều thứ hơn là những thứ hiện tại bạn đang có.

Trở nên giàu có đồng nghĩa với việc bạn có khả năng để sống một cuộc sống đầy đủ – dù bạn có định nghĩa về sự đầy đủ như thế nào chăng nữa. Khái niệm giàu trong suốt cuốn sách này là khả năng sống cuộc sống như ý muốn mà không phải chịu bất cứ áp lực tài chính nào.

Có sự khác biệt lớn trong cách thức xử lý tiền bạc giữa phụ nữ và đàn ông. Bạn có thể tìm thấy một số nhược điểm của chính mình qua những sự so sánh sau đây:

Để có thêm tiền, đàn ông thường đầu tư, trong khi phụ nữ thì tiết kiệm.

Đàn ông sử dụng tiền để “giữ mục tiêu”, trong khi phụ nữ sử dụng tiền để “chăm lo” cho người khác.

Đàn ông mua những thứ họ cần, còn phụ nữ mua những thứ họ muốn.

Đàn ông chấp nhận rủi ro trong đầu tư, trong khi phụ nữ thường cẩn thận trong đầu tư.

Đàn ông thường yêu cầu những thứ họ muốn, còn phụ nữ đòi hỏi những thứ mà họ nghĩ họ xứng đáng được hưởng.

Đàn ông nhìn nhận khách quan về tiền, trong khi phụ nữ nhìn nhận về tiền gắn với các mối quan hệ.

Để trở nên giàu có cần sự kết hợp giữa tư tưởng và hành động cần thiết để đạt được mục đích. Cách bạn nghĩ quyết định cách bạn hành động. Vì thế, trước khi bạn coi một sai lầm cơ bản hay một lời chỉ dẫn là “hiển nhiên”, hãy dành thời gian để suy nghĩ tại sao bạn mắc phải sai lầm đó, hoặc tại sao bạn không làm theo những gì được chỉ dẫn.

Bạn không nhất thiết phải làm theo tất cả những chỉ dẫn để trở nên giàu có. Nếu bạn cam kết thực hiện một phần mười trong số đó thôi, bạn cũng sẽ có được những bước đi chuẩn xác để có thể điều hành nguồn tài chính tương lai của mình.

Chương 2 – Tham gia trò chơi kiếm tiền

Để trở nên giàu có cũng là một cuộc chơi. Nó có những luật lệ, có đích đến và cả ngôn ngữ riêng của nó. Quá nhiều phụ nữ thất bại khi muốn đạt được mục tiêu tài chính của mình, vì họ không tham gia vào trò chơi này.

Đối với phụ nữ, việc làm giàu gặp đầy rẫy trở ngại, thể hiện qua những thông điệp hạn chế bản thân từ bên trong, những thông điệp xã hội, và những thử thách thực tế. Một trong những cách thức giúp bạn vượt qua các trở ngại là hình dung và chuẩn bị cho sự thành công của mình.

Và sau đây là những sai lầm mà bạn cần tránh, để trở nên giàu có:

Sai lầm 1: Cố gắng để tồn tại chứ không phải để làm giàu

Nhiều phụ nữ tự hào một cách chính đáng là vẫn có thể sống được nhờ thu nhập của mình, nhưng họ chưa thực sự chú tâm vào cách thức để đạt được sự thịnh vượng. Họ có thể có được thứ họ cần chứ không có được thứ họ muốn. Những thông điệp như “đừng quá tham lam” hay “hãy học cách hài lòng với những gì bạn có”  là những trở ngại đẩy bạn ra xa thực tế để có được thành quả tài chính trong tương lai.

Bí quyết hành động:
– Hình dung ra cuộc sống mà bạn mong muốn, một cuộc sống khác với cuộc sống hiện tại.
– Nói chuyện với những người đã từng chấp nhận rủi ro để đạt được ước mơ của mình.
– Chia sẻ ước mơ của mình với những người bạn tin cậy. Hãy nói về những suy nghĩ của bạn và yêu cầu sự hỗ trợ.

Sai lầm 2: Không có mục tiêu tài chính rõ ràng

Bạn cần bao nhiêu tiền để sống một cuộc sống không phải bận tâm về tiền bạc? Nếu bạn không có mục tiêu tài chính nào trong đầu thì bạn chỉ đang chạy tại chỗ mà thôi.

Việc tích lũy tài sản cũng giống như các môn thể thao điền kinh, quần vợt, gofl. Bạn phải biết bạn định đi đâu và phải có kế hoạch chi tiết về đường hướng nếu bạn muốn chiến thắng.

Bạn hãy viết ra mục tiêu tài chính của mình, đó có thể là mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn. Thường xuyên cập nhật xem bạn đang đến gần mục tiêu như thế nào. Bạn cũng sẽ gặp phải những khó khăn, sự cố bất ngờ làm gián đoạn quá trình tiến tới mục tiêu. Dù vậy, đừng bao giờ để những thay đổi tài chính làm bạn thất vọng, đây là một cuộc chạy đua đường trường chứ không phải chạy nước rút.

Bí quyết hành động:
– Tính toán mục tiêu tài chính của bạn. Mục tiêu tài chính = Khoản tiết kiệm hiện tại + Lượng tiền cần thiết để đạt được mục tiêu. Mục tiêu có thể thay đổi khi bạn tiến đến gần đích hơn. Quan trọng là phải biết bạn cần bao nhiêu tiền và không sợ hãi khi gặp những khó khăn tài chính.
– Bắt đầu nghiên cứu. Sắp xếp những yêu cầu tài chính thực tế lại với nhau để đạt được tầm nhìn là một bài thực hành có tác dụng thúc đẩy.

Sai lầm 3: Không nhận biết được giá trị tài sản của mình

Nhiều phụ nữ không muốn biết giá trị tài sản thực của mình cũng như không muốn biết về cân nặng của họ vậy. Giá trị tài sản thực của bạn giúp bạn ý thức được về hoàn cảnh nội tại ở quy mô lớn hơn.

Bí quyết hành động:
– Tính toán tài sản. Tài sản (thứ bạn có) bao gồm: Tiền mặt và các khoản tiết kiệm; tài sản đầu tư; tài khoản hưu trí; tài sản không tạo ra thu nhập. Bạn cũng sẽ có những khoản phải trả (khoản nợ) như tiền bảo hiểm, các hóa đơn chưa thanh toán… Và cuối cùng, tài sản thực của bạn là kết quả phép tính trừ của tổng tài sản trừ tổng nợ.
– Tính toán số tiền cần có để sống thoải mái khi nghỉ hưu.

Sai lầm 4: Không tham gia cuộc chơi để giành chiến thắng

Một lý do khiến nam giới chắn chắn sẽ giàu sang hơn phụ nữ là vì họ biết giá trị của việc giành chiến thắng trong cuộc chơi. Bạn không cần phải có “máu” cạnh tranh, nhưng bạn cần một ngọn lửa nhiệt huyết để sống cuộc sống mà bạn muốn. Chẳng có gì là bất hợp pháp hay trái với luân thường đạo lý khi mong muốn trở thành người thắng cuộc một cách dễ dàng.

Bí quyết hành động:
– Chơi những trò chơi hoặc môn thể thao mang tính cạnh tranh.
– Nghĩ cho kỹ về định nghĩa “công bằng”. Phụ nữ có xu hướng nghĩ về sự tác động tới người khác của hành động của mình. Thật ra bạn vừa có thể giành chiến thắng và vẫn quan tâm đến người khác, chỉ khác là chẳng thể làm được cả hai điều một lúc.
– Kiên định hướng tới mục tiêu cuối cùng.

Sai lầm 5: Lắng nghe những người phản đối

Nhiều phụ nữ vẫn còn làm các công việc mà họ không thích với mức lương thấp chỉ bởi họ nghe theo lời của những người không khuyến khích tầm nhìn khả quan về tương lai của họ.

Trong cuộc đời, bạn sẽ luôn gặp những người phản đối. Một vài người thật tâm chia sẻ những điều bạn quan tâm nhất, nhưng số còn lại có thể ghen tỵ với bạn hoặc họ là những người thiển cận. Dù bạn muốn có được kinh nghiệm của người khác để có thể tránh xa những cạm bẫy trên con đường làm giàu, thì bạn cũng không cần họ quyết định thay cho bạn hướng đi trên con đường đó.

Bí quyết hành động:
– Sử dụng những nghiên cứu của bạn. Tài liệu này cũng giúp bạn tự tin hơn và không bị xuôi theo những người có thái độ tiêu cực ngay từ đầu.
– Xác định rõ ràng điều mà bạn muốn và thời điểm để bạn trưng cầu ý kiến, hoặc là đừng hỏi bất cứ điều gì cả. Thay vì hỏi ý kiến, bạn hãy yêu cầu những người mà bạn tin tưởng nói cho bạn nghe những kinh nghiệm có liên quan đến định hướng của bạn.
– Hãy đứng cùng nhóm với những người có thái độ kiên định. Mỗi phụ nữ cần có một đội cổ vũ (đàn ông đã có rồi – đó là các bà mẹ và các cô vợ). Hãy hỏi họ xem liệu họ có thể lắng nghe và phản biện không.
– Hãy lắng nghe mọi lời khuyên.

Sai lầm 6: Tạo ra các ranh giới nhân tạo

Có quá nhiều phụ nữ bị mắc vào mẫu hình sống đầy nghịch lý kiểu “tiền không thể khiến tôi hạnh phúc” hay “nhiều tiền hơn sẽ làm tôi hạnh phúc hơn”. Cả hai đều đúng, nhưng chúng cũng không hề mâu thuẫn nhau. Khả năng nắm giữ đồng thời hai niềm tin khác nhau và dàn xếp chúng theo cách thức hợp lý nào đó chính là phương pháp để trở nên giàu có.

Bí quyết hành động:
– Đánh giá những giá trị của bạn (giống như việc định giá những cổ phiếu). Hãy chắc chắn là bạn hiểu rõ mình đang sống cuộc sống của ai – của chính bạn hay của một người mà những người khác cho rằng bạn nên sống như thế.
– Cảm nhận sự sợ hãi, và vượt qua bằng mọi cách.

Sai lầm 7: Không cân bằng được giữa chiến lược và chiến thuật

Một tầm nhìn mà không có kế hoạch thì chỉ là một giấc mơ, còn một kế hoạch không có tầm nhìn thì mãi mãi chỉ dậm chân tại chỗ.

Bí quyết hành động:
– Hãy nghĩ ra một kế hoạch trò chơi tài chính với những người có tư duy nhìn xa trông rộng. Hãy chia sẻ với họ tầm nhìn của bạn và hỏi họ về các ý tưởng để đạt được nó.
– Cố gắng vượt qua sự chán nản khi phải đi vào chi tiết – đó thực sự là những thứ bạn cần để phát triển một nền tảng vững chắc khi tham gia vào cuộc đua tài chính.

Sai lầm 8: Ở trong khu vực an toàn của bạn ( vùng thoải mái )

Đôi khi những sai lầm dễ nhận thấy nhất lại ở ngay trước mặt bạn mà bạn không nhìn thấy chúng.

Bí quyết hành động:
– Dám mơ ước. Có quá nhiều người chấp nhận công việc không như ý hoặc công việc thu nhập thấp vì họ không dám ước mơ về những thứ sẽ mang lại hạnh phúc cho họ. Đó chính là vấn đề về tầm nhìn.
– Làm chủ lối sống của bạn. Ngay từ đầu, để khởi nghiệp, bạn cần phải xác định điều gì thực sự quan trọng đối với mình và bỏ qua những thứ mang tính vật chất mà bạn đã từng dựa vào để tìm cảm giác thỏa mãn.
– Cân nhắc về một khoản vay kinh doanh nhỏ. Tiền lúc nào cũng được ưu tiên cho những doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh tốt và những ý tưởng tuyệt vời.
– Thảo luận với những người chuyên nghiệp hoặc những người bạn tin cậy về ước mơ của mình.

(còn tiếp)